Phạm Duy Tốn (sinh 1881-mất 25 tháng 2, 1924) là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn Học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của ông được đưa vào học trình văn học nhà trường, đăng trong các sách giáo khoa. Ông còn sưu tầm và phóng tác những chuyện tiếu lâm dưới bút danh Thọ An; tác phẩm tiếu lâm được biết đến là Tiếu Lâm An Nam.
Nay nhân thong thả, góp nhặt mấy câu chuyện khôi hài, chép ra để anh em cùng xem cho vui. Những chuyện này cũng có nhiều câu lý thú, nhưng mà lời lẽ thường không được thanh nhã lắm; bởi vì rặt là chuyện góp: khi năm ba anh em vui chơi, hoặc thấy lắm sự buồn cười, hoặc thấy nhiều điều trái dở, cho nên đặt ra chuyện để mà bài bác, không giữ gìn lời lẽ. Tuy rằng suồng sã, song vẫn là câu nói thường; ý tứ không cao xa, nhưng mà chính là sự thực. Chuyện là chuyện từng người một đặt ra bốn phương góp lại, cho nên là tinh thần chung cả một dân, chứ không phải tư tưởng riêng của một người nào. Vả chăng thường có nhiều chuyện hay mà không mấy người biết. Vì thế chúng tôi nhặt nhạnh mỗi nơi một ít, in ra, để lúc nào anh em hứng vui, sẵn có mà xem cho giải trí; trước là mua được trận cười, sau nữa ghi để những tinh thần của người nước mình đã phát hiện ra ở những chuyện ấy. Ấy cũng là một ngành văn chương nên giữ lấy. Kìa như các nước Thái Tây, những đấng văn nhân cũng còn dụng công ghi chép những chuyện vui cười, làm ra thành sách; huống chi là nước ta, nhờ có chữ quốc ngữ, chắc hẳn mai sau văn chương mình cũng có thể phát đạt, thì những chuyện này rồi ra cũng là một cái di tích đáng quý, sao lại nỡ bỏ? Buổi đầu mới mẻ, lời lẽ chưa được chải chuốt, lắm câu hãy còn non nớt, xin miễn thứ và dong dự cho kẻ mới tập tành.
Thọ An, Phạm Duy Tốn
Nhâm Tí, Mạnh đông.