Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã. Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi cách viết – tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy: thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi? – khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự “trên tài”. Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
“Từ tiểu thuyết Những Mảnh Đời Đen Trắng đến Ký Ức Vụn, Nguyễn Quang Lập tỏ ra từng trải hơn, chín chắn hơn, hóm hỉnh hớn và thâm thúy hơn. Thị trấn Ba Đồn cùng với lời ăn tiếng nói, tính khí, cốt cách rặt bọ hiện rõ mồn một trong từng trang Ký Ức Vụn, làm nên một thương hiệu Nguyễn Quang Lập: viết văn mà như nói trên chiếu rượu để khẩu ngữ hóa, tự do hóa ngôn từ nghệ thuật. Với Ký Ức Vụn, Nguyễn Quang Lập đã chọn cho mình một lối đi riêng, thể hiện sự tự do trong sáng tạo, và chỉ khi có tự do sáng tạo mới đem lại quyền dân chủ cho nhà văn và người tiếp nhận. Với “món ăn” mới lạ này, khẩu văn Nguyễn Quang Lập đã tạo nên một hiện tượng ngôn từ độc đáo, làm phong phú thêm bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt.”.