Năm 1948, ở trong Đoàn Văn hóa kháng chiến Xuân Áng, Phú Thọ, tôi nhân đọc cuốn Tân quốc văn ngữ pháp của Lê Cẩm Hy, toan dựa theo viết một cuốn ngữ pháp tiếng Việt, mà cứ lúng túng mãi, không xử lý được nhiều trường hợp rắc rối trong ngôn ngữ, nên chưa viết được.
Tuy vậy, cái đại cương của ngữ pháp thì tôi thấy như mình đã nắm được, nhân tháng bảy năm ấy có Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở Đông Lĩnh, tôi có bài thuyết trình “Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta”.
Có lẽ cũng vì cái thuyết trình ấy, sau đó không lâu, Hội Văn hóa Việt Nam thành lập, tôi được cử vào làm việc trong Ban Ngôn ngữ văn tự của Hội.
Muốn cho công việc của mình sớm có thành quả cụ thể, từ đó qua đầu mùa xuân 1949, tôi viết ba bài nghiên cứu được in ly-tô phát hành, tức là “Phân tích vần Quốc ngữ”, “Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm”, và “Tiếng đệm” đặt ở đầu sách này.
Bấy giờ tôi lại muốn trở lại viết cuốn ngữ pháp, nhưng vẫn lúng túng không viết được, không làm sao xử lý được những vấn đề mình đã cho là rắc rối. Tôi bèn tỉnh ngộ, thấy ra cái chỗ tại làm sao mà mình bị bí ấy.
Một thứ tiếng mới thành lập như tiếng ta, mà muốn viết một sách ngữ pháp cho đâu ra đó, làm một việc tổng hợp, thì rất khó. Bí là tại đó. Phải làm việc phân tích trước, phân tích tỉ mỉ kẽ còi rồi, bấy giờ làm việc tổng hợp thì có lẽ dễ hơn.
Vì như thế, tôi bỏ cái dã tâm viết sách ngữ pháp mà đi làm cái việc phân tích, tức là tám bài sau trong sách này, năm 1950 đã do Hội xuất bản bằng ty-pô, đề nhan sách là “Tìm tòi trong tiếng Việt”.
Từ 1951 về sau, tôi không còn làm việc ngữ ngôn văn tự nữa, việc nghiên cứu bỏ dở.
Nay nhân thắng lợi hòa bình, trở về thủ đô Hà Nội, bèn góp lại những công trình nghiên cứu trong hai năm in thành một cuốn sách, phụ lục cái thuyết trình về ngữ pháp ra sau cùng, đổi tên mới là “Việt ngữ nghiên cứu”.
Trước kia, sau khi in ly-tô hay ty-pô xong, tôi có thấy trong bài mình viết còn có chỗ nào sai sót thì điền bổ thêm vào; và hiện nay, trước khi ra cuốn sách này, tôi còn thấy cái gì đáng nói nữa cũng có nói thêm. Cả hai sự bổ túc ấy thuộc về bài nào thì để sau bài ấy chung dưới một cái đầu đề nhỏ là: Viết thêm về sau. Những mẩu viết thêm ấy hoặc có ghi đủ địa điểm và ngày tháng, hoặc chỉ ghi năm mà thôi, là tùy lúc bấy giờ có ý cẩn thận hay cẩu thả, nhưng đều để nghiệm thấy tư tưởng mình tiến hay thoái, và cũng để đánh dấu mình tuy không làm việc ngữ ngôn văn tự cũng để ý tới nó luôn luôn, một cách dùng mà tự an ủi lấy mình.
Hiện nay, các nhà giáo, các nhà văn chúng ta có cái trách nhiệm phải làm cho tiếng nước ta tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ được cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại. Tiếng Việt Nam nếu còn cứ ở cái trình độ cũ thì dân tộc Việt Nam có tiến đi nữa cũng chậm lắm.
Tôi mong rằng khi sách này in ra, sẽ được nhiều lời phê bình thảo luận, để bổ cứu cho sự sai lầm, thiếu sót của ý kiến một người, và nhờ đó, công việc phân tích càng đầy đủ, tinh vi hơn để đi đến tổng hợp.
Nói như thế, không phải nói đợi phân tích xong rồi mới viết sách ngữ pháp. Chúng ta cũng cứ viết sách ngữ pháp đi, sau nhờ sự phân tích, phát hiện cái đúng đến đâu, sẽ sửa chữa nó đến đó.
Công việc này là công việc làm vĩnh viễn, không phải chỉ làm mười năm hay một trăm năm. Hễ thời đạo tiến hóa thì ngữ ngôn phải tiến hóa, ngữ ngôn tiến hóa tức là dân tộc tiến hóa.
Phan Khôi
(Viết tại Hà Nội ngày 22-11-1954)