Đọc Việc Làng của Ngô Tất Tố mới thấy rõ sự khác biệt của báo chí ngày nay và báo chí…ngày đó. Nếu như bây giờ ta đọc Thanh Niên, Tuổi Trẻ,… thấy những sự việc đơn nhất được kể ra, thì tập phóng sự của Ngô Tất Tố (đăng trên tuần san Hà Nội tân văn) lại là những mảng báo khái quát thành những trang văn.
Tất cả tên người và địa danh đều được giấu đi, chỉ còn giữ lại cái tổng quan. Bởi đó đều là những điều không-của-riêng-ai, thôn xóm nào cũng gặp, làng quê nào cũng chung. Cho tới bây giờ, bây giờ là năm 2014, khi đọc vẫn chưa thấy có gì cũ đi. Có thể đã thay tục này, lệ kia, nhưng cái cốt lõi “phép vua thua lệ làng” với những luật ngầm vẫn trì ám con người ta in như vậy.
Ngày xưa đọc “Nghệ thuật băm thịt gà” chỉ thấy vui, thấy bác Mới giỏi nhỉ. Giờ nghiền ngẫm đủ 16 mảnh ghép của chốn hương thôn Bắc kỳ, mới thấy rùng mình. Một cái cỗ oản tuần sóc đã oằn vai người đàn ông thành bướu lạc đà, đã khiến tác giả quả quyết “ai bảo xương cứng, tôi xin nhất định cãi là xương dẻo”. Bởi để làm bệ đỡ cho những thúng kĩu kịt thì cái xương vai đã cong lõm hẳn xuống, chẳng khác gì chiếc vòng cung. Vậy mà vẫn chưa xong, ông còn phải dỡ luôn hai gian nhà làm củi bán đi lấy tiền mua gạo. Trong lúc người ta gật gù khen ông ấy tháo vát, khen oản của ông ấy tốt và chuối của ông ấy mẫm, thì tác giả chỉ dám hỏi một câu ái ngại “Bao giờ ông lại sửa tuần sóc thứ hai?”.
Hay một người đàn bà góa bụa chỉ vì muốn được làng thắp cho nén hương sau khi chết, mà sa phải cái bẫy bòn rút của đám Chánh hội, lý trưởng và của chính thằng cháu ruột bà. Cả hình ảnh lão Sửu thắt cổ chết trong nhà khi “làng” đương việc mua lợn, mua rượu, ăn uống tưng bừng ngoài điếm để ăn vạ, đã đòng đẩy đung đưa rất lâu trong lòng tôi. Thế nhưng, không chỉ có những kẻ thấp cổ bé họng mới bị đày ải bởi lệ làng, dường như ngay cả những người có quyền chức trong làng, như cụ Thượng trong “Miếng thịt giỗ hậu” cũng là nạn nhân của một xã hội xoay vần. Ông già 80 tuổi đi đứng không vững, răng môi lập cập đã thanh minh với tác giả rằng “Thực ra tôi có thiết gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà quê, gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được biết mùi thịt ra sao.”
Bởi thế, mà sau 16 bức ảnh làng mạc Ngô Tất Tố trưng ra, gập sách lại chỉ thấy một mùi đói lảng bảng đọng lại. Cái đói làm người ta lắm chiêu nhiều chước, bức hại ngay những người gần mình. Những cái lệ đã ám làng ngần ấy năm, khiến cho những con người không cách nào ngóc đầu qua nổi lũy tre. Cái làng trong truyện thì bé, nhưng cái làng thực bên ngoài thì rộng bao la. Có những cái làng trông rất bề thế và tiện nghi, tưởng chừng đã thoát ly khỏi lạc hậu, thì mùi đói khổ và nghèo nàn vẫn bủa ra từ khắp các góc chợ. Trong công cuộc đi lên, chúng ta dường như đã bỏ quên rất nhiều người, nhiều điều. Như trong bộ phim “Chuyện tử tế”, người ta đã phải thốt lên rằng “những người nghèo khổ bỗng dưng biến mất, y như đồng bào của chúng ta rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc dường như những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia mất rồi”.