Và khi tro bụi (NXB Trẻ) mở đầu câu chuyện bằng một cái chết. Xe rơi xuống núi, một buổi chiều tháng mười một mù sương. Nước Đức. Một kiếp người vội vã thành tro bụi, nhưng với người đàn bà ở lại, mất một người chồng là mất đi mọi ràng buộc mình với thế giới này. Không còn người quen, không có việc gì trên đời để làm, không nơi chốn nào để đến, người đàn bà quyết định ra đi, “tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu”.
Câu chuyện lúc này mới thật sự bắt đầu. Trên những chuyến tàu vô định người đàn bà đã chọn cho mình một cái chết, như một dấu chấm hết. “Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết”.
Người đàn bà đi tìm mình, muốn ghi chép mình ra trên giấy, để mình đọc được chính mình. Chị cần mua một cuốn sổ. Rồi chị gặp một chàng trai (Michael) có người mẹ bị giết. Gặp một đứa trẻ lưu lạc bị bỏ rơi (Marcus). Gặp một tâm hồn (Anita) bị đọa đày. Và một cô giáo (Sophie) đang nắm giữ mọi bí mật… Ai cũng có một quá khứ không dễ tỏ tường. Còn người đàn bà? Trên trang giấy trắng, chị ghi được hai dòng quạnh quẽ: Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh. Cuộc đời trống trơn, chị có gì để tìm?
Một cánh rừng như vừa trải ra trước mắt, người đọc đi vào một con đường âm u, con đường nhỏ ngoằn ngoèo bất ngờ rẽ sang một hướng khác, rồi lại một hướng khác, và hướng khác nữa. Chưa biết sẽ về đâu nhưng ta vẫn háo hức đi, đi từ nỗi hoang mang này sang nỗi hoang mang khác, và sự thật theo đó cứ hé mở từng chút một, chậm chạp và rời rạc. Cho đến trang cuối cùng…
Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh.
Tôi muốn mang chiếc bình lên một ngọn đồi ở miền trung du, đổ mớ tro của anh xuống đám cỏ và mang chiếc bình không về đặt ở thành cửa sổ, nơi tôi đã đứng suốt bảy ngày nhìn xuống con đường trước nhà. Nhưng không ai cho tôi làm như vậy. Mẹ anh sắp xếp để có một buổi lễ ở nhà nguyện nghĩa trang Friedsdorf. Sau buổi lễ đó, người ta mang anh đi thiêu và chiếc bình đựng tro từ thân xác anh được đem về đặt trong một toà nhà được xây để chứa những chiếc bình như vậy. Luật lệ không cho tôi đem chiếc bình về nhà. Tôi không biết họ sẽ cất giữ những bình tro trong bao lâu. Tôi cũng không biết bao nhiêu năm là thời gian cần thiết để lưu giữ những mớ tro có mang tên họ của một người, để nói rằng người đó đã một thời có mặt trên mặt đất, dưới bầu trời này.
Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là mầu tang chứ không phải đen. Tôi tưởng đã quên điều này, vậy mà tôi lại nhớ, và khi nhớ lại rồi điều đó trở nên quan trọng. Quan trọng tuyệt đối trong một cuộc đời không còn gì là quan trọng nữa. Ngày tang lễ anh tôi mặc một chiếc áo trắng, dài. Lúc tôi bước vào nhà nguyện, mọi người nhìn tôi rồi vội quay đi, như tế nhị tránh nhìn một điều sai sót lớn lao. Tôi nghĩ: đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh.
Có một người đàn bà ở cùng khu phổ tôi ở, chồng chết, bà buông tất cả các màn che cửa xuống, sống trong một căn nhà tối và không gặp ai nữa. Một người bạn của chồng tôi kể tôi nghe về bà ấy và nói: “Chị phải chấp nhận chồng chị chết rồi. Chúng ta ai cũng chết. Chị khóc bao nhiêu cũng được nhưng sau đó thì phải tiếp tục sống như một người bình thường, đừng để cái tang này biến chị thành một hồn ma.” Tôi trả lời: “Anh không phải lo cho tôi. Tôi sẽ không sống với bóng tối. Tôi sẽ quên anh ấy, tôi hứa.” Và tôi cố gắng quên, từng chuyện, từng chuyện một, từng ngày, từng ngày một trong khoảng đời ấy của tôi, từ ngày tôi gặp anh cho đến ngày anh chết.
Tôi trút lên mặt bàn những tấm ảnh của anh và những tấm ảnh anh đã chụp. Những thành phố và những núi rừng anh đã đi qua, một cái bông mới nở trong chậu, một tách cà phê đang uống, một đôi dép… Nếu tôi nhìn lâu, không gian phía sau của những bức ảnh cũ còn dẫn tôi đi xa hơn, đưa tôi chìm sâu hơn vào những đoạn đời anh đã sống. Tôi không muốn xem những ảnh đó để quay lại quá khứ. Tôi trút chúng lên mặt bàn để tìm cách tách bỏ chúng ra khỏi đời tôi. Tôi phân loại những tấm ảnh theo nơi chốn, theo thời gian, bỏ chúng vào các túi giấy. Tôi viết lên bên ngoài túi những bức ảnh đã được chụp trong chuyến đi nào, rồi lấy dây buộc những túi giấy ấy lại. Tôi không biết làm gì với chúng, nhưng ít ra, sau những ngày những đêm ngồi sắp xếp, tôi cảm thấy tôi đã tìm được chỗ nằm có tên tuổi cho những bức ảnh, và một khi có nơi ở rồi, chúng sẽ thôi không ám ảnh tôi nữa.