Sau lần xuất bản thứ nhất truyện “Tuổi thơ khát vọng”, cuốn sách mà tác giả viết tặng các em nhỏ bị tật nguyền, Vũ Đức Nguyên gửi một phần tiền nhuận bút tặng trường câm điếc Xã Đàn – Hà Nội. Buổi gặp mặt giữa tác giả cuốn sách với các em nhỏ ở đây diễn ra thật xúc động.
Tham dự buổi họp mặt hôm ấy có đại diện nhiều cơ quan, đoàn thể, có nhiều bài phát biểu nhiệt thành. Các em nhỏ ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe, hân hoan vỗ tay nhưng qua ánh mắt các em ta thấy, ở các em chưa xuất hiện những cảm xúc đặc biệt.
Nhưng khi nhận ra người được giới thiệu là nhà văn Vũ Đức Nguyên đang tập tễnh bước tới, các em ùa lại, vây quanh, có em vén hẳn cả hai ống quần nhà văn lên để tận mắt, tận tay thấy được đôi chân khẳng khiu, bên cao bên thấp, một bàn chân hơi vẹo, di chứng của căn bệnh bại liệt đeo đẳng anh suốt đời. Các em líu ríu, cố diễn đạt bằng lời, bằng ngôn ngữ tay đặc biệt của những người chưa nói được trọn lời và ánh mắt… những ánh mắt rưng rưng. Hóa ra, dù bị tật nguyền từ bé cũng có người thành được nhà văn. Đây là nhà văn! Tác giả những tập sách mà các em đã được thấy từ mấy hôm trước. “… Đứa vừa câm vừa điếc cầm nắm xôi đi trước, đứa điếc cõng đứa què, dắt đứa mù lếch thếch theo sau. Chúng líu ríu bên nhau, chia sẻ với nhau miếng xôi, mẩu sắn. Chúng khuyên nhủ, thúc ép đứa què, người duy nhất trong nhóm còn khả năng học được phải đi học, rồi thay nhau cõng, dìu bạn đến trường…” Gấp tập sách Tuổi thơ khát vọng lại, những hình ảnh trên cứ chập chờn trước mắt người đọc. Ta hồi hộp rồi sung sướng thấy cảnh cưa cắt những tấm gỗ mục làm áo quan cho Vững đã chấm dứt, chú bé đã vùng ra được khỏi tay thần chết. Ta lại chia sẻ niềm vui với Vững khi chú kéo quệt chân khó nhọc bước được những bước đầu tiên sau hơn một năm nằm liệt giường. Tình bạn với cô bé hàng xóm, với những trẻ tật nguyền khác đã giúp Vững vượt lên trên cảnh đời không may và nhiều mất mát của mình. Ta xúc động đọc từ trang này đến trang khác bởi những cảnh trong truyện là những cảnh đời rất thật, vẫn xảy ra đâu đó quanh ta, bởi lời văn mộc mạc của lối tự truyện.
Vậy đây là tự truyện của tác giả chăng? Cuộc đời của một đứa bé tàn tật có nhiều cay đắng ê chề, liệu viết ra có ích gì cho người đọc và người đọc có chấp nhận không? Và, trong cảnh đời ấy, có những sự thật mà chỉ chợt nghĩ đến cổ họng đã nghẹn lại, nước mắt trào ra không sao hạ bút xuống được. đã trăn trở rất nhiều và viết tác phẩm này rất lâu trong khi anh thường hoàn thành những tiểu thuyết dày trang với thời gian không nhiều.
Những người viết tự truyện thường cố ý mượn trang sách để thanh minh điều gì đó trong đời mình hoặc nêu cao những bài học về đạo lý, trung thực và khiêm tốn, hạn chế mình chỉ phản ánh niềm khao khát được sống làm người, một người bình thường, một người nuôi nổi mình bằng chính bàn tay mình, niềm khát vọng ấy da diết nhưng cũng là lẽ thường của một chú bé tàn tật và những người bạn tật nguyền khác của chú.
Vì những lẽ trên, dù tác phẩm mang dấu ấn nhiều kỷ niệm của đời tác giả, nó vẫn là một sáng tác văn học hấp dẫn của một ngòi bút trung thực, khiêm tốn và đầy tính trách nhiệm.
Cũng như chú bé Vững, còn hơn chú bé Vững, Vũ Đức Nguyên đã hai lần hất bật được tay thần chết. Lần trước, là khi nhỏ tuổi, do căn bệnh hiểm nghèo, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thuốc, thiếu đủ thứ trong tình trạng xã hội lạc hậu. Lần sau, khi đã ở tuổi trưởng thành nhưng vì tàn tật nên nhiều trường không muốn nhận học, không một cơ quan nào chịu nhận cho vào làm việc. Khát vọng sống, sống và làm việc đã giúp anh vượt qua. viết văn để giãi bày tâm sự như một nhu cầu sống. Tâm tĩnh – tuệ sáng (lòng yên tĩnh thì trí sáng suốt) một nguyên lý của tư tưởng triết học phương Đông cao cả, với Vũ Đức Nguyên là một minh chứng. Anh bền bỉ vượt qua mọi bất hạnh, mọi sự đố kỵ của người đời, luôn giữ cho tâm mình trong sáng, không xao động, chính vì vậy mà ở anh sức sáng tạo phát triển mạnh mẽ, chỉ trong khoảng mười năm anh đã cho ra đời bộ tiểu thuyết dày: Hoa dừa nước, Chuyện làng Khê, Cái đêm ấy trên sông, Đời không yên ả, Trinh nữ, Con sóng bạc đầu, Lỡ thì và nhiều những trang sách khác.
Viết những dòng này, chỉ với tư cách là bạn cầm bút sống gần với Vũ Đức Nguyên, tôi chân thành chia sẻ những cảm nghĩ của mình với các bạn đọc nhỏ tuổi.
Không hiểu sao bỗng tôi tỉnh táo hẳn. Nhận biết mọi vật xung quanh rất rõ rệt. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao trong nhà lại có đông người đến vậy. Ông ngoại ngồi xếp bằng tròn thu lu trên phản, sẵng giọng: