Truyện Kiều là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của nền Thi ca Việt Nam. Người trẻ nào trong thời gian học Trung học cũng có dịp được nghe về truyện Kiều và học một ít v truyện Kiều. Nhưng vì truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển và lại có nhiều điển tích cho nên đối với người trẻ, thưởng thức hết được cái hay của truyện Kiều là một chuyện không dễ. Vì vậy tôi đã có ý cống hiến Truyện Kiều Văn Xuôi như một lời mời mọc những người trẻ trở về thưởng thức những cái hay,cái đẹp của truyện Kiều. Đọc xong Truyện Kiều Văn Xuôi, người trẻ sẽ thấy thoải mái khi trở vềvới nguyên tác bằng thơ.
Tôi nhớ hồi 1945, khi nước ta mới giành lại được chủ quyền quốc gia, tất cả các phân khoa của các trường Đại Học trong nước đều còn sử dụng tiếng Pháp để dạy và để học. Trong suốt những năm sau đó, các giáo sư đã nỗ lực tìm cách sử dụng tiếng Việt để giảng dạy trong các phân khoa Đại Học, từ trường Y, trường Dược, trường Luật đến trường Khoa Học. Các tập sách như Danh Từ Khoa Học, Danh Từ Luật Học, v.v.. được biên tập cấp tốc để cung ứng kịp thời cho nhu cầu giảng dạy và học hỏi. Nhiều khi giáo sư và sinh viên cọng tác với nhau ngày cũng như đêm để làm công việc biên tập ấy. Lòng yêu nước và yêu tiếng Việt ấy của mọi người thật đáng làm cho chúng ta cảm động.
Sự xuất hiện của truyện Kiều cách đây gần 200 năm đã cho chúng ta rất nhiều niềm tin nơi khả năng diễn đạt của tiếng Việt. Truyện Kiều cho chúng ta thấy là tiếng Việt có khả năng diễn tả được những tư duy và tình cảm sâu sắc nhất của ta. Trước đó, có người tin rằng chỉ có chữ Hán mới làm được việc này. Vì vậy mới có câu, ‘Nôm na là cha mách qué,’ tỏ ý không tin tưởng mấy vào khả năng của tiếng Việt.
Viết truyện Kiều bằng chữ Nôm, thi sĩ Nguyễn Du đã đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc và cho niềm tin của chúng ta nơi tiếng mẹ đẻ, dù có thể là trong khi sáng tác, thi sĩ đã không có chủ đích ấy. Tuy nhiên có một điều mà ta không thể nghi ngờ được: đó là Nguyễn Du đã rất yêu tiếng Việt.
Tôi xin lỗi các bạn trẻ là đã không chuyển hết được toàn bộ truyện Kiều thành văn xuôi. Tôi là người xuất gia, phải dành phần lớn thì giờ của mình cho việc ngồi thiền, dịch kinh và hướng dẫn các khóa tu cho cả hai giới xuất gia lẫn tại gia, cho nên chỉ mới làm được tới đấy. Tôi mong có dịp rảnh để hoàn tất được công việc rất thú vị này. Trong khi chờ đợi, xin đền bù lại bằng bài ‘Kiều và nền Văn Nghệ đứt ruột’ in ở phần sau.
Viết tại thất Ngồi Yên
Xóm Thượng Làng Mai, Pháp quốc. Ngày 14.7.2002