30 năm, đọc lại Trư cuồng, cảm xúc vẫn như lần đầu. Lần đầu, chuyến đi Hà Nội mùa thu 1982 đầy sự cố, trong căn nhà nhỏ bên dòng Kim Ngưu đen và thối anh trao cho tôi tập bản thảo viết tay mới chỉ lưu truyền trong một nhúm bạn chí cốt. Cuốn truyện đã làm tôi mất ngủ.
Chỉ riêng những trang tả thực cảnh sống thảm thương của một gia đình nhà văn-nhà báo nháo nhác xoay quanh cái chuồng lợn, khi sức khỏe và sự tăng trọng từng ngày của lợn là mục tiêu sống của cả nhà, lũ lợn “nhai gau gáu” hết xương ông Tchekhov đến sọ ông Dos, “nỗi lợn” làm người chồng thành bất lực trên giường… đã đủ sức đánh gục người đọc bởi sự chân thực đầy cảm xúc những trải nghiệm sống của cây bút già dặn. Những trang sử – văn một thời cười ra nước mắt khi cả Hà Nội lao vào nuôi lợn như con đường duy nhất thoát đói nghèo (không chỉ Hà Nội, ở Sài Gòn lúc ấy nhiều hộ ở chúng cư nuôi lợn đến nỗi làm tắc hết đường thoát nước!).
– Điều day dứt nhất của tác giả Trư cuồng mà hiện thực “lợn” thúc ông đi đến tận cùng của suy tư: đó là “sự ô nhiễm” của chuồng lợn vào xã hội người. Thực ra “tính lợn” đã tồn tại trong con người qua hàng ngàn năm. Bản chất của nó là gì? Theo tác giả, “lợn sinh quan” chính là: “Hãy chỉ biết ăn – Ăn toàn bèo cũng được. Cứ ăn cho đến lúc cái bụng ta to bằng cái thúng, và thế là cảm giác no nê, thỏa mãn, hạnh phúc sẽ đến. Tuyệt đối chớ nên suy nghĩ, vì suy nghĩ là mầm tai ương”.