Tập này kể lại một mùa mưa núi cách đây 23 năm, vào nửa cuối 1961, khi tôi đi đường Trường Sơn vào Liên khu Năm và công tác ở vùng tây tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Tất cả các tư liệu và cảm nghĩ trong tập đều rút ra từ các sổ nhật ký năm ấy, hoàn toàn là chuyện người thật việc thật, chỉ được sắp xếp lại và viết rõ hơn cho dễ hiểu. Tôi đã lược bỏ tất cả những đoạn rườm rà hoặc có thể gây hiểu lầm.
Viết về các dân tộc thiểu số, tôi đã tìm lại những từ tiếng Việt được dùng hiện nay và trước đây: dân tộc thiểu số (ít người), đồng bào vùng cao (rẻo cao), người thượng du (thượng sơn), nhân dân miền núi (miền ngược), v.v… Trong hoàn cảnh riêng của Liên khu Năm, nơi phần lớn các dân tộc thiểu số thường ở vùng đất cao, dân tộc đa số thường sống gần các thành thị, tôi xin dùng hai từ Thượng và Kinh để gọi hai bộ phận trong nhân dân ta với sắc thái quý trọng như nhau.
Tôi mong những ghi chép thật thà này của một người viết văn có thể góp phần gợi nhớ chuyện cũ đối với các đồng chí có vốn sống nhiều lần phong phú hơn, có thể vẽ đôi nét chấm phá để các bạn trẻ dễ hình dung cảnh sống và chiến đấu trong vùng căn cứ rừng núi năm 1961.
Trong muôn một, tôi còn hy vọng đền ơn đồng bào Thượng ở miền Nam đã hy sinh không kể xiết vì Tổ quốc chúng ta, đã dạy cho tôi nhiều bài học chói ngời về lòng trung thành với Đảng và Cách mạng.