Một ngày lang thang trên tiki, tôi quyết định chọn cho mình quyển sách của một nhà văn lão làng – nhà văn Nguyễn Đông Thức. Quyển sách như một dấu lặng trong cơ man nào là những quyển sách viết về ngôn tình, hay những trăn trở của người trẻ ở cuộc sống thực tại. Lần giở từng trang sách, trí óc tôi tự vẽ nên bối cảnh đất nước thời kỳ chiến tranh với những đau thương, khói lửa, tra tấn, và cả tình yêu. Trong đó, có thể bắt gặp được những thủy chung, son sắt, và có cả gian dối, phụ bạc. Đọc để cảm nhận, để vươn lên vì một niềm tin chắc chắn rằng sau những đau thương, chắc chắn sẽ là những ngày bình yên, hạnh phúc, quan trọng là hãy sống chân tình, trao đi chân tình…
Trung bỡ ngỡ bước vào phòng làm việc của thiếu tá Nam, trưởng trại cải tạo. Mái tóc cắt ngắn lốm đốm bạc, mắt đeo kính trắng, người nhỏ thó trong chiếc sơ mi trắng ngắn tay hơi nhàu bỏ ngoài một chiếc quần bộ đội, trông ông có vẻ là một công chức già nhiều hơn là một sỹ quan đã từng tham gia hai cuộc chiến.
Đây là lần thứ hai Trung được gọi lên gặp ông. Lần thứ nhất, sau khi Trung, trong một buổi họp ở đội, đã đề xuất việc tập thể các sỹ quan đang học tập cải tạo ở trại gồm 800 người sẽ đóng tiền để cùng xây dựng một tủ thuốc phục vụ cho chính anh em, trong tình hình thuốc men quá thiếu, thậm chí có người chỉ bị kiết lị cũng phải bỏ mạng. Lúc đó là tháng 9 năm 1975, lúc mới đổi tiền. Theo đề xuất đó của Trung, nếu được trại cho phép, mỗi người chỉ phải đóng góp hai mươi xu từ tiền sinh hoạt phí khi ấy là năm đồng. Tiền gom được, sẽ nhờ cán bộ trại ra thị trường tự do mua giúp một số thuốc, để y tá của trại có thể điều trị cho anh em tốt hơn.
Lúc đó, tuy trại có hơn mười bác sĩ quân y của các tiểu khu thuộc Quân khu 4 còn kẹt tại chỗ vào ngày giải phóng đang được học tập, nhưng Trung nổi bật nhất vì sự tích cực trong lao động và những đóng góp sốt sắng của anh trong đời sống hàng ngày đối với anh em trong trại. Trong khi đa số sống và lao động, học tập với thái độ bi quan, cầm chừng, thì Trung lại rất hăng hái, nhiệt tình. Nhiều người nhìn anh với đôi mắt nghi kỵ, dè bỉu, khinh khi, nhưng Trung vẫn mặc. Anh có lý do riêng của anh. Hơn nữa, anh từng trải qua nhiều năm sống nghèo khổ, đủ để hình thành một cá tính không bao giờ chịu bó tay trước hoàn cảnh, và một thói quen không sợ hãi lao động. Vườn rau muống của anh xanh tốt nhất trại, dù ngay trên đất phèn Bảy Núi. Trung có thể bỏ cả buổi ngồi tỉ mỉ nhặt bỏ những viên đất trắng phèn trên mặt liếp và thay vào đó bằng lớp đất hữu cơ xốp đen tự tìm lấy. Anh đi “thu gom” nước tiểu của anh em, cẩn thận pha, tưới. Rau xanh của anh tự sản xuất chẳng những dư ăn, mà còn có đem cho mọi người…
Trung rất thận trọng nhưng không phải không có lúc liều lĩnh. Một lần, trong trại có nhiều anh em bị bại liệt. Một số bác sĩ quân y, cùng học tập trong trại với Trung, có riêng những ống thuốc B1, nhưng không ai dám chích cho số anh em đó, vì điều kiện y tế ở trại không đủ để có thể cứu chữa những ca sốc thuốc. Trung quyết định để anh chích. Anh lập luận khả năng sốc là 1/1000, không thể vì sợ con số đó mà để bao nhiêu người phải bị bại. Nhờ vậy, đã cứu chữa được nhiều người…
Ngay sau buổi họp đó, cũng vào buổi tối như thế này, thiếu tá Nam cho gọi Trung lên. Ông đề nghị anh nói lại riêng với ông một lần nữa, về đề xuất xây dựng tủ thuốc. Ông hỏi kỹ anh về cách quản lý, và thật bất ngờ, chẳng những đồng ý xây dựng tủ thuốc, ông còn đề nghị một cách quản lý khác. Chính Trung sẽ giữ tủ thuốc này và cùng một số trại viên khác – vốn cũng là bác sĩ, khám bệnh và cho thuốc những học viên trong trại vào những giờ giấc nhất định trong ngày. Tiền thuốc được phép bán cao hơn 10 phần trăm so với giá mua, và số tiền lời ấy được giữ lại để có điều kiện bổ sung cho tủ thuốc. Thiếu tá Nam còn rộng tay hơn: ngay sáng hôm sau, ông cho lính đưa Trung ra chợ Châu Đốc để mua tủ thuốc đầu tiên. Lúc đó trong trại đang bị dịch kiết. Trung mua ngay 600 ống Émétine. Cơn dịch được chặn đứng. Sau một năm được hoạt động, tủ thuốc tự quản ấy đã có nhiều loại thuốc cần thiết, và số vốn đã tăng nhiều lần hơn so với ban đầu.
Thiếu tá Nam sống rất giản dị. Những buổi chiều đi lao động sản xuất, Trung thường thấy ông mặc áo thun, quần đùi, đi tưới rau. Hoặc có lần theo anh em lên coi một trận đấu bóng chuyền giữa đội học viên và đội cán bộ trại, Trung ngạc nhiên thấy có mặt ông trong đội tuyển của trại. Ông đối với cấp dưới của mình thế nào không biết, nhưng với bọn Trung, Trung thấy ông luôn có thái độ tôn trọng. Cứ gặp ông là Trung lại nghĩ tới trung tá Huy. Thật là hai thái cực khác nhau.