TÔI THƯƠNG MÀ EM ĐÂU CÓ HAY
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương em mà em đâu có hay
QUANG DŨNG
Bữa ăn trưa được chúng tôi ăn vội vã để còn về nhà trọ ngủ một giấc ngắn, trước khi đến trường vào lúc một giờ. Tôi sợ nhất những buổi trưa mất ngủ, rồi phải đến trường dạy liên tiếp bốn giờ. Nắng ở đây rất gắt, thêm những ngọn gió thổi hơi nóng từ những bãi cát quanh trường vào lớp học, khiến không khí ngột ngạt đến điên đầu. Những buổi dạy ấy tôi đã phải châm thuốc liên tiếp và nhờ khói thuốc cay xè tôi mới chống được cơn ngủ gục. Nhìn những chiếc miệng xinh xắn của nữ sinh cùng ngáp không che giấu trong khi tôi ê a bình giảng thơ khẩu khí của Lê Thánh Tôn, thú thật đã có lúc tôi muốn nộp đơn xin nghỉ dạy. Cũng may trời không nóng bức suốt niên học. Còn có những ngày mưa, những buổi sáng lạnh giá. Cũng may những chiếc miệng xinh xắn kia không phải chỉ biết ngáp, mà còn biết nở những nụ cười tuyệt đẹp và cũng may trong chương trình dạy học, ngoài những bài thơ Vịnh Con Cóc, Cái Chổi còn có những bài ca dao tình yêu…
– Thôi về chứ, ngồi “thiền” à!
Tôi uống vội ngụm trà, lấy theo một cây tăm, rồi nhảy lên xe Vélo để người bạn chở về nhà trọ.
– Chiều nay đi coi thi không?
– Có, cho tôi quá giang với.
– Được rồi.
Xe chạy đến gần con ngõ vào nhà trọ, tôi nói cho xuống, vì vào trong đó quay xe ra rất khó. Con ngõ dài hơn trăm thước này đầy cát. Tôi rảo bước cho nhanh để kiếm một giấc ngủ. Vừa đẩy cổng vào, tôi thấy một nữ sinh đã đứng đợi tôi dưới hiên nhà. Tôi ghét nhất phải tiếp khách vào buổi trưa, nên khi em gật đầu chào thưa thầy, tôi giả lơ hỏi chuyện gì vậy?
– Thưa thầy, cho em nộp bài thi sáng nay.
– Trời đất, bài thi mà giờ này em mới nộp vậy còn thi cử làm gì!
– Thưa thầy, buổi sáng em làm bài đến phần kết luận thì hết mực. Em phải đợi tan trường về nhà chép tiếp.
– Sao em không mượn bút của các bạn?
– Dạ trong lớp chỉ có mình em viết mực tím, viết hai màu mực em sợ thầy không chấm bài.
– Ai bảo em viết mực tím làm gì cho rắc rối, mà thiếu phần kết luận có chết chóc gì đâu, sao em không nộp bài ngay trong lớp?
– Em sợ thầy cho ít điểm.
– Cái gì em cũng sợ, còn nộp bài trễ em không sợ tôi không nhận sao?
– Dạ…
Em cúi mặt xuống, tay cuộn tròn tờ giấy làm bài thi rồi bật khóc… Tôi hốt hoảng nói:
– Thôi chớ, nộp bài trễ rồi còn khóc nữa sao!
– Tại thầy không nhận bài của em.
– Đâu dễ dàng như em nghĩ. Xấp bài thi nộp cho tôi, giám thị đã ghi thiếu bài làm của em rồi, tôi đâu nhận được nữa. Buổi sáng ai coi thi phòng em?
– Dạ cô Trâm.
– Bây giờ em đem bài thi đến xin cô Trâm ký nhận vào phần giám thị, rồi tôi nhận.
– Em nói chắc cô Trâm không chịu ký, đàn bà con gái với nhau khó thông cảm lắm. Em nhờ thầy nói với cô Trâm giúp em.
– Trời đất, bây giờ em bắt tôi phải đi năn nỉ người ta!
– Nếu bài này không được chấm, em bỏ luôn kỳ thi, vì có thi tiếp, cuối năm em cũng bị thi lên lớp.
Cô bé vẫn khóc dai dẳng. Tôi chẳng biết em khóc thật hay giỡn nữa? Thật khó mà biết khi nào con gái khóc thật! Dù sao những giọt lệ của em cũng làm tôi xiêu lòng. Tôi rất dễ xiêu lòng vì những thứ vớ vẩn ấy, có lẽ trái tim tôi làm bằng bột mì. Tôi nói: “Thôi được”. Cô bé đưa tờ giấy thi, nói cám ơn, rồi chào về. Tôi nói: “Cô về nhanh lên, không tôi bực mình phát khóc bây giờ”. Em bật cười thành tiếng, quay người bước vội ra cổng. Tôi gọi:
– Này em!
– Dạ!
– Em lau nước mắt đi, kẻo ra đường người ta lại tưởng tôi vừa đánh em.
Em lắc đầu đáp:
– Mặc kệ, ai bảo thầy làm em khóc chi.
Thật chỉ có trời mới biết tại sao con gái cứ thích khoe với người khác rằng mình đã khóc.
Buổi chiều Trâm không coi thi, nên tan trường, tôi phải đem bài của cô bé đến nhà nàng xin chữ ký. Ngôi nhà nằm dưới một tàng cây keo lớn rợp bóng mát. Trâm mời tôi vào phòng khách, hỏi: “Anh đến có chuyện gì vậy?”. Sau khi nghe tôi trình bày câu chuyện, nàng nói:
– Đối với nữ sinh anh dễ dãi như vậy tụi nó dám qua mặt lắm.
– Tôi dễ dãi với mọi người, dù có bị thiệt thòi.
– Trừ Trâm phải không? Trâm không ký vào bài thi đó.
– Ồ, đừng bắt tôi năn nỉ chớ.
– Không phải vậy. Trâm chỉ ghét con nhỏ đó, vìsao nó không đến nói với Trâm.
– Cô bé nói đàn bà con gái khó thông cảm với nhau.
– Con nhỏ thật khôn. Nó đã biết có chuyện gì giữa chúng ta và nó muốn lợi dụng anh.
– Trâm đừng nghĩ vậy, đấy chỉ là một cô bé.