Làng Lưu Xá thuộc phủ Hưng Hà là một làng lớn nằm ven biển. Hầu hết dân làng đều sống với nghề đánh cá. Làng này nổi tiếng làm ăn thịnh vượng, dân chúng phần đông vẫn dư ăn dư để. Cũng vì thế thỉnh thoảng những bọn cướp đâu đâu lại đột xuất viếng làng. Không chỉ cướp bóc của cải, nhiều lần chúng còn giết các chức sắc, trai tráng chống lại chúng và có khi chúng bắt theo cả gái đẹp trong làng nữa.
Một nhà hào phú địa phương, ông Trần Lý, thấy vậy bèn nghĩ ra cách tổ chức những toán hương dũng để bảo vệ cho dân. ông rước một ông thầy võ già có tiếng giỏi về dạy cho hương dũng. Thanh niên trong làng vui vẻ, hăng hái học thêm nghề côn quyền rất đông. Trong số môn sinh, có một chàng trẻ tên là Độ, cháu gọi Trần Lý bằng bác, có thiên khiếu võ nghệ lạ thường đã làm vị thầy võ hết sức ngạc nhiên. Độ học đâu nhớ đó, lại có óc biến hóa, phối hợp các thế võ rất hữu hiệu. Người ta càng ngạc nhiên hơn, vì trước đây, ông Trần Lý đã rước một thầy đồ về đây chữ nghĩa cho con cháu thì Độ lại học nay thuộc mai quên rất là khổ sở Qua mấy năm khổ học, Độ đành phải bỏ cuộc bút nghiên, chỉ còn nhớ lõm bõm vài chữ thông thường. Một hôm, người thầy võ nói với Trần Lý:
– Sở học võ nghệ của tôi, trò Độ này nắm được hết rồi. Rất đáng khen, y còn trẻ mà có tính quả quyết, lại thông minh, nhiều mưu lược, giỏi ứng biến. Y có thể tự phát triển sở năng, sau này y chắc chắn vượt tôi rất xa. Ông nên giao việc chỉ huy đám hương dũng này cho y, chắc chắn sẽ có kết quả tết. Cũng có thể một ngày kia y sẽ lập được công danh hiển hách với đời. Đám hương dũng này dưới sự trông coi của ông với sự giúp sức của trò Độ dư sức tự bảo vệ làng Lưu Xá. Tôi tuổi đã già và cũng cạn ngón nghề rồi, xin giã từ để về quê an dưỡng.
Độ mồ côi cha, được ông bác Trần Lý giúp đỡ nhiều trong cuộc sống. ông Lý rất thương Độ, coi Độ như con. Sau khi người thầy võ ra đi, Độ trở thành người trực tiếp chỉ huy và cũng là người dìu dắt huấn luyện những lớp thanh niên kế tiếp.
Trần Lý có hai người con trai đã lập gia đình là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trần Thừa tuy học cả văn lẫn võ nhưng không có gì nổi lắm. Tánh tình Thừa quá chất phác, hiền hậu. Trần Tự Khánh khá hơn anh, có đầu óc cầu tiến, ôm ấp nhiều tham vọng. Nổi bật nhất trong nhà là người con thứ ba tên Dung, một cô gái có sắc nước hương trời lại thông minh, nết na dịu dàng ai cũng thương mến. Không một chàng trai nào không rung động khi gặp nàng…
Ngày kia, có tin một bọn cướp đang ẩn núp ở vùng núi non làng Vân Thê, một làng giáp ranh với làng Lưu Xá. Chúng vẫn hay xuất hiện bất ngờ cướp giựt khách đi đường hoặc tấn công một vài nhà khá giả. Độ bàn bạc với anh em rồi sau đó xin dẫn hương dũng đi giúp làng Vân Thê diệt cướp. Trần Lý ái ngại:
– Chúng không dám đến quấy phá mình là được rồi. Đi như vậy vừa tốn kém, vừa mệt sức anh em, có chuyện gì thì mình lại phải gánh trách nhiệm nữa, bác thật không muốn chút nào.
Độ hăng hái thưa:
– Đây là cháu trình bày theo ý nguyện của nhiều anh em. Cháu nghe thầy có dạy nhánh cây còn nhỏ mà không chịu bẻ, sau này phải dùng tới cái búa lớn mới chặt được. Nếu mình không giúp dân làng Vân Thê trừ lũ cướp ấy đi, để sau này chúng lớn mạnh thêm, biết đâu chúng chẳng tìm tới mình. Lúc ấy biết đâu mình có thể không còn chống nổi thì sao!