Thoạt nghe, tên của tiểu thuyết là tên một nhân vật trong tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, nhưng đây không phải là tiểu thuyết kiếm hiệp. Theo chính tác giả, “Tiểu Long Nữ là một cuốn tiểu thuyết thời sự. Nó được viết ra từ một chuyện nhảm nhí”. Ông cũng rất cẩn thận đề từ ngay trang đầu tiên: “Các nhân vật và sự kiện trong tiểu thuyết này đều là hư cấu, không có trong thực tế. Chuyện thời sự chỉ là gợi ý cảm hứng…”. Và với ý định mua vui, kiếm tiền, trong vòng 15 ngày Nguyễn Huy Thiệp đã viết xong tiểu thuyết này.
Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là Nguyễn Quốc Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Liên hiệp Công ty – một kẻ có chức có quyền, kín đáo, lạnh lùng, khôn ngoan đang ngấp nghé chức Bộ trưởng. Lương có người vợ hơn 6 tuổi, một cậu con trai 22 tuổi ngoan ngoãn, không đồng tình với những hành động của Lương. Nhưng, Lương như lao vào vòng xoáy của đồng tiền, không thể thoát ra được. Tiền hắn tham nhũng được ví như những đồng tiền thấm máu. Lạnh lùng, chặt chẽ như vậy, nhưng những hành vi phạm tội của Lương không thoát ra khỏi cặp mắt của cơ quan an ninh kinh tế mà đại diện là nhân vật Đức. Đức – công an kinh tế – đã theo dõi hành vi phạm tội của Nguyễn Quốc Lương trong vòng 5 năm, thu thập mọi bằng chứng nhưng chưa có đủ cơ hội và điều kiện để bắt Quốc Lương phải trả giá cho sự tham nhũng của mình.
Thuý Vinh là một chủ tiệm uốn tóc đồng thời cũng là gái gọi kiêm má mì. Thuý Vinh đã mồi chài được Quốc Lương đồng ý ngủ với một cô bé tên Chi 13 tuổi. Trước đó, Vinh đã tân trang lại cho Chi sao cho thật lộng lẫy và còn xăm thêm hình một con rồng bên bờ vai, Vinh đặt tên cho Chi là Tiểu Long Nữ. Điều này trùng hợp với vợ của Lương đi xem bói, thầy bói nói: gia đình sẽ gặp hạn Tiểu Long Nữ.
Gia đình Chi đã kiện Nguyễn Quốc Lương vì tội hiếp dâm trẻ vị thành niên, đồng thời tống tiền gia đình Lương lấy 1 tỷ đồng. Nhân có đơn kiện, Đức và cơ quan an ninh đã kịp thời bắt Quốc Lương trước khi hắn tự vẫn.
Tiểu thuyết có cốt truyện đơn giản, gần giống như một câu chuyện có thực xảy ra trong xã hội những năm gần đây. Các nhân vật được xây dựng đơn tuyến. Chưa có nhiều chiều sâu tuy có cố gắng khắc họa thế giới nội tâm của một quan chức. Ông ta suy nghĩ gì? Tại sao ngồi trên hàng đống tiền mà ông ta vẫn cô đơn? Cái giá nào rồi cũng phải trả. Hành động sai lầm nào cũng mang lại một kết cục không tốt. Quốc Lương hiểu điều đó, và Lương đã chảy nước mắt khi nhìn thấy người vợ của mình nằm ngất cạnh bàn thờ Phật. Ông ta biết, giờ mạt vận của mình sẽ tới…
Bên cạnh đó, có các tuyến nhân vật phụ như Khôi, bố của Chi. Như một kẻ lưu manh, một kẻ cơ hội biết cách làm tiền ngay cả trên nỗi đau thân thể của người con, Khôi có thể chỉ đạo con mình ăn cắp ví tiền, tìm cách tống tiền người khác. Không thể phí phạm bất kỳ cơ hội kiếm tiền nào, cho dù nó là bẩn thỉu và chua xót. Nhưng nhân vật Khôi mang nét humor đen, như một điểm nhấn mạnh trong tiểu thuyết.
Mặc cho cách xây dựng nhân vật đơn giản, viết như không viết. Chạm, nhưng không chạm, nghệ thuật ở nơi nào, không thấy, nhưng độc giả cũng có thể đọc hết một lèo cuốn tiểu thuyết ngắn 180 trang này, rồi tự mình rút ra kết luận: Nguyễn Huy Thiệp có thành công trong thể loại tiểu thuyết hay không? Sự nỗ lực tự đổi mới mình, tìm tòi phong cách mới, cập nhật theo từng biến đổi của thị trường đã giúp con đường văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp đi tới đâu?