Thượng-kinh-ký-sự là tập ký của đại danh y và danh nho Việt Nam Lê Duy-Trác, hiệu Hải-thượng Lãn-ông, kể lại cuộc hành trình của Ông lên Kinh để chữa bệnh cho Chúa Trịnh và Thế-tử ở phủ Chúa. Tập ký thuật lại sinh hoạt, sự gặp gỡ, chữa bệnh của Lãn-ông cho nhiều người tại kinh thành, các biến cố trong phủ, thắng cảnh trên đường từ Nghệ Tĩnh ra Thăng Long, việc xướng họa với các công khanh và tâm sự của Ông luôn mong thoát vòng danh lợi để quay về với cuộc sống ẩn dật, an nhàn ở quê nhà. Tác phẩm, ngoài giá trị một thiên ký sự đặc sắc, còn là bản chép nhiều bài thơ hay chữ Hán do Ông sáng tác và các bài xướng họa.
Đây là bản dịch ra chữ quốc-ngữ từ nguyên tác Hán-văn tác phẩm Thượng-kinh ký-sự kèm Phụ-lục “Một nhà danh-y và danh-nho nước ta ngày xưa: Cụ Lãn-ông”, cả hai do Nguyễn Trọng-Thuật biên-dịch và đăng trên Nam-Phong Tạp-chí.
Thông tin thêm về Hải-thượng Lãn-ông và các tác phẩm Thượng-kinh ký-sự, Y-tông tâm lĩnh (y-học) của Ông xin tham khảo trên Internet.
Phàm đọc văn của một nhà hiền-triết nào ở cách đời với mình, thời trước hết phải chứng xét cái thời-đại, cái thân-thế cùng cách lập-thân hành-đạo của nhà hiền-triết ấy thế nào, thì mới nhận ra được những cái chân tinh-thần về học-thuật tư-tưởng của nhà hiền triết ấy, mà sự đọc như thế mới có ích, có thú-vị vô-cùng. Bởi vậy trước khi dịch sách du-ký của cụ Lãn-ông tức là sách Thượng-kinh ký-sự này, thời tôi đã khảo-cứu cái thời-đại, cái thân-thế và những cách lập-thân hành-đạo của cụ, rồi tập-thành truyện-ký mà lạm thêm đôi lời bình-luận cho phát-siển thêm cái tinh-thần về học-thuật tư-tưởng của cụ ra, là có ý giới-thiệu cụ cho các nhà đọc văn du-ký này của cụ được đỡ tốn cái công khảo-cứu mà tự-hưởng được cái ích-lợi cái thú-vị vô-cùng.
Nay xét những văn du-ký của người Việt-Nam ta cùng của cả những người ở các nước phương Đông-Á này từ thế-kỷ thứ mười tám tức là từ đời cụ Lãn-ông về trước thì thấy ít lắm, mà có chăng nữa chẳng qua chỉ dùng cái ngòi bút tài-hoa, bài văn điêu-khắc mà, vẽ-vời những cảnh-trí của nước-non, để làm cái tài-liệu cung cho nhà tao-nhân, mặc-khách mà thôi, chứ cầu lấy cái ngòi bút thiên-nhiên, lời văn tả-thực, ngoài những sự miêu-tả cảnh-trí ra lại thu-thập được cả các trạng-thái của cả các hạng người trong xã-hội, mà thu-thanh tróc-ảnh, truyền lại cái minh-giám có bổ-ích cho đời sau, như vậy tập du-ký của cụ Lãn-ông này, không khác gì những văn du-ký của các nhà danh-nho Thái-tây cận-thời, thì thực là hiếm có. Như thế thì tập du-ký này không phải là một tập văn du-ký kiệt-tác mới xuất-hiện ra ở trong văn-học-giới Á-Đông ta dư?
Và tập văn du-ký này về phần nhiều là lược-tả có những cảnh-trí, những phong-vị cùng những nhân-vật đất Hà-thành. Tôi nhân đọc tập du-ký này mà đối với cái đất cố-đô kia, trong lòng bất-giác sinh ra có điều cảm-khái, muốn nói mà không có thể điềm nhiên đi không nói được: bởi vì đất Hà-thành là cái chỗ văn-hóa phát-nguyên của nước Việt-Nam ta ngày nay, là cái chỗ chủ-não của người nước Đại-Việt ta ngày trước, kể đặt kinh-đô thời cũng đã trải qua năm sáu triều, kể năm cũng đã hơn bảy tám trăm năm đến nay, biết bao nhiêu là công-nghiệp gây-dựng ở đấy, bao nhiêu là cái tinh-hoa tụy-tụ ở đấy, thế mà nay ta muốn tìm đến những chỗ di-tích để mà chiêm-bái các đấng tiền-nhân, thời ngoài cái Văn-miếu từ Lý-triều sáng-tạo đến quốc-triều trùng-tu, với một pho tượng đồng thần Trấn-Vũ, đúc từ đời Lê ra, không còn cái cổ-tích nào là khả-quan nữa: khách du-lịch bất-đắc-dĩ muốn bằng-điếu cổ-nhân ở trên tờ giấy, thời cũng không có sách-vở gì để ghi chép cái di-tích nào cả. Ấy về phần hình-thức còn như thế, nữa là những cái lưu-phong dư-vận vô-hình kia, thì còn biết tra-vấn vào đâu cho được. May sao còn được một quyển Thượng-kinh ký-sự của cụ Lãn-ông là một quyển sách của cụ chép khi cụ trùng-du thành Thăng-long vì việc phải vào thăm bệnh ông thế-tử của chúa Trịnh, mà sở-ngộ những những người những cảnh nào có quan-hệ đến việc cụ kinh-qua, thì cụ mới chép để phụ vào bộ sách thuốc của cụ mà làm cái hứng-thú riêng của bọn y-gia, khiến cho hậu-nhân ta mới nhờ đó mà được phảng-phất thấy cái đất Hà-thành về cuối đời Hậu-Lê là lúc trị-hóa và văn-vật đã về mạt-lưu rồi. Còn thì cái đất Hà-thành từ cụ Lãn-ông về trước với cái đất Hà-thành từ sau cụ Lãn-ông cho đến cận-thời, oang-oanh liệt-liệt thế nào, nguy-nga điển-nhã thế nào, bất-quá chỉ tóm-tắt vào trong bốn câu thơ của một nhà thi-nhân mới vịnh thành Hà-nội nọ. Bốn câu thơ rằng: “Ngưu-hồ dĩ biến tam-triều cục, Long-đỗ không dư bách-chiến thành. Nùng-lĩnh phù-vân kim cổ sắc, Nhĩ-hà lưu-thủy khốc ca thanh 牛湖已變三朝局,龍肚空餘百戰城.濃嶺浮雲今古色,珥河流水哭歌聲.” Nghĩa là cái mùi nước Ngưu-hồ đã biến theo ba lần thay đổi triều-đình; cái đất Long-đỗ chỉ chỉ còn cái thành trải trăm trận chiến-tranh nay bỏ không; trông đám mây bay trên núi Nùng-lĩnh kia như có những sắc đời kim cổ; nghe cái dòng nước chảy dưới sông Nhị-hà nọ, hình như có những tiếng khóc tiếng cười. Thực là bi-đát tiêu-sơ, trơ-trọi man-mát vô-cùng, mà sự khảo-cổ đáng nên di-hận là đường nào, người tiền-nhân ta thực không trối được cái lỗi không biết quí-báu những cổ-khí và biên-chép những cố-sự là những cơ-sở tiến-hóa riêng của một dân-chủng, mà sở-dĩ thành ra cái tệ-đoan như thế là vì có hai cái nguyên-nhân như sau này:
1.– Vì cái tư-tâm chuyên-chế của người Á-Đông ta, đời này nổi lên thì muốn phá-diệt đi cho hết những cái dấu-vết của đời đã qua, để cho người ta không còn trông thấy cái dấu cũ gì mà sinh lòng hoài-cựu nữa, cho nên vô-luận sự-nghiệp công hay tư, công-trình khéo hay vụng, đều làm cho tiệt-diệt đi không còn một tí gì mới thỏa dạ.