Tên nhân vật chính của tác phẩm (và cũng trùng với bút danh của tác giả) là Hoài. Chẳng biết tại sao chị lại đặt cho nhân vật của mình cái tên ấy: nỗi nhớ. Có điều, tác phẩm của chị cũng giống hệt như một nỗi nhớ, một hoài niệm kín đáo nào đó, một dòng suy tưởng lặng lẽ, lan chảy. Và cô bé Hoài nắm tay dắt ta vào một thế giới hoàn toàn khác lạ với thế giới của chúng ta, thế giới của riêng một “nỗi nhớ” với “bốn trăm ô vuông nâu và một khuôn chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic,” trong một hệ thống khổng lồ như những tấm gương lồi lõm, những đa giác, lục giác, bát giác gương quay tròn xung quanh một tâm điểm: con người. Con người với những biến dạng phức tạp của nó, một con người lập thể chứ không hẳn là một con người bằng xương bằng thịt, càng không phải là một Con Người viết hoa.
Sau những năm dài của một nền văn học mà người ta đang “sám hối” – nói như Nguyễn Minh Châu – Thiên sứxuất hiện như một điều ngẫu nhiên. Vì độc giả Việt Nam, hay nói cho chính xác hơn, thị hiếu văn chương Việt Nam chưa chuẩn bị để đón nhận một tác phẩm văn chương loại này của một nhà văn Việt Nam. Chỉ vài năm nay thôi, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Thị Thu Huệ mới đăng quang bằng những tác phẩm mang hơi hướng tình dục, chứ vào thời điểm mà nó ra đời (cách đây đã năm sáu năm), Thiên sứ chỉ gặp phải sự lạnh lùng của giới phê bình Việt Nam. Người ta nhắc khẽ đến nó trong những cuộc nói chuyện không chính thức của giới văn nghệ, tác phẩm được biết tới trong một nhóm rất nhỏ những người yêu văn học, vậy thôi. Một số nhà phê bình nhanh nhảu đã kịp viết bài chỉ trích, tiếc thương cho một tài năng trẻ sớm sa vào cạm bẫy của “chủ nghĩa hiện sinh,” “chủ nghĩa siêu thực” và vô số những “ism” gì đó mà những đầu óc “thông kim bác cổ” đó vốn rất sẵn. Nhưng thời đại đã khác rồi, và một trận đòn hội chợ đã không kịp xảy ra. Bị thích trên mình dấu hoa huệ của một tác phẩm “có vấn đề,” Thiên sứ chìm vào trong một sự im lặng đầy ác ý, và ngay cả các giải thưởng quốc tế mà nó giành được gần đây cũng không đủ sức xóa tan bức màn im lặng đó.
Thực ra trong bất kỳ một sự chỉ trích nào cũng hàm chứa một phần sự thật nào đó. Đằng sau lời nhận xét dè dặt “thiếu dung dị” là sự bối rối của các nhà phê bình trước một tác phẩm không hề đơn giản. Vốn quen với những chủ đề dễ hiểu của “chiến tranh và xây dựng,” với những “hoàn cảnh điển hình và nhân vật điển hình,” với những bức tranh chỉ có đen và trắng, phải và trái, không có chỗ cho những bóng nhoè đen trắng, không có chỗ cho những tình cảm phức tạp khó hiểu, họ lúng túng và ngượng ngùng khi phải đối mặt với sự sâu thẳm của thế giới nội tâm, của tiềm thức hay những xung đột kỳ quặc của một thế giới hiện đại ngày càng buồn chán hơn với một con người ngày càng cô độc hơn. Và cái thế giới của một cô bé vĩnh viễn mười bốn tuổi, ấp ủ trong lòng mình ký ức về một vừng mặt trời đỏ ối và một vùng hồ mênh mang, bó chặt trong một khung cửa sổ với những ẩn ức khó hiểu của riêng nó lại càng xa lạ đối với họ.
Cái lạ của Thiên sứ lại vốn dĩ… không hề lạ. Đúng là lạc vào thế giới của Thiên sứ, chúng ta như lạc vào mê cung của nhà vua Minos, nếu thiếu sợi chỉ màu của nàng Ariadne sẽ thật khó tìm thấy đường ra. Và nếu cứ chia nhân vật ra tuyến nọ tuyến kia trong hành trình khô cứng của cái bắt đầu và cái kết thúc, của thắt nút và cởi nút, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ rối bời trong một đống mâu thuẫn khổng lồ. Có nhà văn đã nói “trên đời có những cái rất thật mà lại không phải là sự thật!” Đúng vậy, cũng như có những cái tưởng là không thật mà lại chính là sự thật. Bởi bản thân tác phẩm đã là một “rừng biểu tượng” – nói như Baudelaire (Correspondences – Tương hợp) – Chúng ta phải biết cách thâm nhập vào cánh rừng ấy. Hãy đọc Thiên sứ theo cách khác, cái cách mà Hoài Thanh đã khuyên khi ông nhận xét về tuồng. Hãy hiểu tính ước lệ của nó, hãy loại bỏ, thanh lọc mình khỏi những thiên kiến chủ quan về phải và trái, về cái có thật và cái trừu tượng, nhập thân vào thế giới của các nhân vật, các huyền thoại, các biểu tượng, mở lòng ra và “văn sẽ tràn vào trong ta trong một giây” (Chekhov).
Bởi lẽ cái quyến rũ nhất của Thiên sứ là chất ảo của hiện thực. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện lại được xây dựng trên hồi ức của một cô bé, trên dòng suy tưởng chậm chạp và lắng đọng của một tâm hồn bất biến trước những biến động của xã hội và thời gian. Tâm điểm ở những tấm gương dồn tụ ở Hoài, “ốc nhỏ bám riết bậu cửa sổ,” vĩnh viễn “mười bốn tuổi.” Em là con mắt bão, và thế giới trong Thiên sứ là thế giới của riêng em, được nhìn bằng con mắt của em, thế giới trong trắng của trẻ thơ, thế giới của những ước mơ mộng tưởng kỳ ảo. Chính đây là tấm lăng kính tạo cho Thiên sứ vẻ hư ảo quyến rũ ngần ấy.
Không chỉ có Phạm Thị Hoài đặt niềm tin của mình vào tuổi thơ. Có người đã than thở: “Tôi thường thích nói chuyện với trẻ con, ít ra thì còn có hy vọng là chúng sẽ trở thành những tạo vật có trí tuệ, còn những kẻ ngay tự bây giờ đã coi mình là thế thì… than ôi!” Phải, chỉ có trực giác tuyệt vời của trẻ nhỏ mới có thể đưa ra cái logic cực kỳ đơn giản rằng loài người chỉ có hai loại “homo A và homo Z,” “người có khả năng âu yếm dịu dàng và kẻ không có khả năng ấy.” Hoàn toàn chỉ tuân theo một quy luật, quy luật của trái tim, mười lăm năm ròng, cô bé Hoài làm cái việc phân chia ấy một cách “nhẫn nại, không tò mò, không giàu óc tưởng tượng,” dường như đó là “công việc có ý nghĩa duy nhất trong cuộc đời cô.” Tâm hồn trong trẻo của cô bé Hoài như một tấm lưới lọc khổng lồ, tách nhân loại ra làm hai hạng: có xúc cảm và vô cảm. Thật đơn giản làm sao! Nhưng như lời chú mèo của Hans Christian Andersen đã nói trong Nữ thần băng giá: trực giác tuyệt vời ấy, khả năng kỳ diệu ấy là món quà Thượng Đế dành riêng cho trẻ nhỏ. Khi lớn lên con người ta quên đi, đánh mất dần khả năng ấy, và đến một lúc, không còn tin rằng có thời họ đã suy nghĩ và hành động như vậy. Người lớn với cả một hệ thống logic rắc rối đầy ắp những cái có thể và cái không thể, nên và không nên, có lợi và không có lợi làm sao có thể chấp nhận cái triết lý rạch ròi về homo A và homo Z, cũng như họ đã nhìn “lầm” hình vẽ con trăn nuốt con voi thành cái mũ trong truyện Hoàng Tử Nhỏ (Le Petit Prince) của Saint-Exupéry. Khả năng cảm đã phải nhường chỗ cho khả năng hiểu. Phải chăng vì thế mà cô bé Hoài đã chui vào vỏ ốc của mình “Ba mươi kilogam, một mét hai mươi nhăm, đuôi sam”? Em từ chối quyền lớn lên, từ chối nhập vào vòng chuyển động Brown, “khước từ các loại bậc thang” để giữ lại cho mình cái quý giá nhất của con người, khả năng có xúc cảm. Bởi vì – quay lại với Saint – Exupéry – chú cáo trong Hoàng Tử Nhỏ nói: “Người ta chỉ thấy thật rõ bằng trái tim mình, cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy.”
Nhưng cái lứa tuổi mười bốn vĩnh hằng của Hoài chỉ là vỏ ốc, lớp vỏ vật chất bảo vệ cho một cái gì đó sâu thẳm hơn, dữ dội hơn. Dưới đó là tầng sâu của những rung động thầm kín, của những khao khát không được thỏa mãn, những đòi hỏi bị ghìm nén trong tâm hồn một phụ nữ hai mươi chín tuổi. Một người đàn bà khao khát yêu thương và được yêu thương, khao khát cho và nhận bị ép chặt trong hình hài một cô bé mười bốn tuổi. Một khuôn mặt trẻ con che chở cho một tâm hồn mang “cơn sốt núi lửa,” suốt mười lăm năm ròng làm “một nhân chứng câm lặng, thông tỏ quyết liệt, không bao giờ quay lưng lại cuộc đời.” Bên trong lớp vỏ “Hoài” là rất nhiều cuộc sống khác nhau. Em mang trọn gánh nặng của một “nỗi buồn kinh niên,” nỗi đau của “một con búp bê bé nhỏ, câm lặng,” biết trước tất cả, đoán trước được tất cả mà lại không thể thay đổi được điều gì, em – “đứa con út già trước tuổi gánh chịu tất cả những gì bố mẹ và anh chị nó chưa kịp hiểu.”
Không hiểu sao, khi đọc Thiên sứ, tôi cứ hay nghĩ đến Cậu bé mơ mộng của Paven Virginov, Jennie trong Chân dung nàng (Portrait of Jennie) của Robert Nathan, Hoàng Tử Nhỏ của Saint-Exupéry. ở tất cả những nhân vật ấy có một điểm chung. Các em dường như không thuộc về thế giới của chúng ta mà thuộc về một thế giới khác bí hiểm hơn, “một thế giới chưa kịp đến.” Bởi vì thế giới trong Thiên sứ là một đa thế giới. Như một hình cầu được tạo bởi vô số những đường tròn đồng tâm, thế giới ảo và thế giới thực, không gian được trải dài ra và không gian bị dồn nén, thời gian một chiều và thời gian nhiều chiều, tất cả đan xen vào nhau tạo thành một sự tương hợp tuyệt vời. Hoài thu mình lại tới mức tối thiểu, thành “ốc nhỏ bám riết bậu của sổ” để có thể thoát ra khỏi thế giới này, nhập thân vào thế giới nội tâm của riêng mình. Lạc lõng giữa thế giới thực, thế giớí các đồ vật, cô bé Hoài im lặng chịu đựng nỗi đau của căn bệnh tổ tông với lời nguyền khắc nghiệt: đau nỗi đau của toàn nhân loại, không có được cả niềm an ủi của một “hành trình khép kín” như bé Hon. Em không thuộc vào bất cứ một thế giới nào trong Thiên sứ. Hoài, với “một mét hai mươi nhăm, ba mươi kilogam, đuôi sam” chỉ là lớp vật chất thô kệch giúp cái tôi của em xuyên qua ranh giới của thế giới ảo và vào thế giới của chúng ta, tại những điểm cắt bất đắc dĩ của hai thế giới. Cái tôi mới chính là chất trừu tượng của nhân vật Hoài, là phần nhân bản, là bản năng nguyên thuỷ của con người, tất cả hòa lẫn trong nhau thành một khối phi vật chất thấm đẫm xúc cảm.