Bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, được bạn đọc chú ý trước hết vì bề dày 4 tập 2000 trang với nhân vật trung tâm là người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; sau nữa, đây là tác phẩm văn học dày dặn nhất của một Việt kiều được xuất bản trong nước. Được biết tác giả hoàn thành bản thảo tại Sài Gòn năm 1981, nhưng ông hiện đang sống ở Mỹ. Riêng với bạn đọc ở Huế, cuốn sách được quan tâm hơn vì “Sông Côn mùa lũ” đã dành nhiều trang tái hiện cuộc sống và bối cảnh lịch sử ở Huế những năm cuối thế kỷ 18 mà trọng tâm là những lần Nguyễn Huệ kéo quân ra Phú Xuân rồi lên ngôi hoàng đế tại núi Bân…; hơn nữa, tác giả tuy là người cùng quê với Nguyễn Huệ, nhưng lại có duyên nợ với Huế-ông là rể của một gia đình dòng họ Nguyễn Khoa nổi tiếng.
“Sông Côn mùa lũ” gồm 101 chương, chia làm 7 phần lớn (1-Về An Thái; 2-Tây Sơn thượng; 3-Hồi hương; 4-Phương Nam; 5-Vượt đèo Hải Vân; 6-Phú Xuân; 7-Kết từ), mở đầu năm 1765 khi hai anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ theo học giáo Hiến-một nhà nho vừa trốn nạn Trương Phúc Loan chuyên quyền, từ Phú Xuân lánh vào quê vợ (An Thái) và kết thúc năm 1792 khi Nguyễn Huệ mất, An (con giáo Hiến, người yêu của Nguyễn Huệ) ra Phú Xuân dự đám tang vua Quang Trung. Có thể nói, tác giả “Sông Côn mùa lũ” đã mượn câu chuyện thăng trầm, tan hợp đầy sóng gió của gia đình ông giáo Hiến và gia đình ba anh em Tây Sơn để tái hiện lịch sử dân tộc ta trong suốt gần ba thập kỷ cuối thế kỷ 18, chứ không chỉ miêu tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công của Nguyễn Huệ.
Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn-những người góp nhiều công sức để “Sông Côn mùa lũ” đến tay bạn đọc Việt Nam, trong lời giới thiệu bộ tiểu thuyết này đều đánh giá cuốn sách là “hay và hấp dẫn”, “đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này”. Đỗ Minh Tuấn viết: “Nguyễn Mộng Giác đã tỏ ra là một ngòi bút tiểu thuyết lịch sử xuất sắc khi phân tích và tái hiện huyền thoại lịch sử bằng cái nhìn văn hóa và cái nhìn thế sự. Những chuyện tình của Nguyễn Huệ, những bê bối của vương triều, những cưu mang nghĩa hiệp và bối rối cũng như những sóng gió gia đình, những tâm sự buồng the không làm mất đi ánh hào quang của người anh hùng, mà trái lại, làm cho Nguyễn Huệ trở nên lớn lao hơn, gần gũi ta hơn như một con người cụ thể đầy những lo toan trần thế và đầy thủy chung ân nghĩa”. Những dòng này được in ở bìa 4 của cả bộ sách, dễ tạo nên ý nghĩ đây chỉ là cách giúp “quảng cáo” cho việc phát hành cuốn sách. Thực ra, những “phẩm chất” mà người giới thiệu đề cập đến đều hiện diện trong “Sông Côn mùa lũ”, duy mức độ thì không hẳn đã là “xuất sắc” và toàn bích.