Những mẩu đời của từng nhân vật trong mỗi truyện đều là giả tưởng, nếu có trùng hợp chỉ là tình cờ. Cá tính, hành động của mỗi nhân vật hay, dở, tốt, xấu là tùy theo nhãn quan, tùy theo khả năng thâu nhận, tùy theo quan niệm sống của mỗi người. Tác giả viết ra để độc giả đọc chơi mà suy ngẫm. Tác giả muốn trình bầy trong cái “cõi tạm” này không tìm đâu thấy sự toàn hảo.
Mặc dầu chỉ là những truyện ngắn mua vui, nhưng tác giả vẫn kỳ vọng sau khỉ đọc xong, độc giả gạn lọc được vài điểm nào đó để cuộc sống tươi vui hơn, linh hoạt hơn, có ý nghĩa hơn.
Lân lấy xe lửa từ Hongkong đi Quảng Châu. Chuyến xe này sẽ ghé qua trấn Thạch Long, nơi chàng ao ước tới. Khởi hành từ Hongkong, đoàn xe lửa cũ kỹ chở đầy hành khách, hàng hóa, ồn ào hỗn độn với những người xạ phang nói gì chàng cũng chẳng hiểu và chàng cũng chẳng cần hiểu. Lân chỉ mong chóng tới trấn Thạch Long, cái đích của chuyến du hành này thôi.
Mỗi lần tầu dừng lại một trạm, số người mang hàng hóa xuống nhiều hơn lên nên càng lúc tầu càng bớt dần người, các toa trống dần nên cũng đỡ ồn ào. Lân chợp ngủ… chàng thấy mình chỉ là một cậu bé cỡ mười tuổi đang nắm tay cha tung tăng trên sóng cát Sầm Sơn. Thế rồi, hai cha con leo lên tận đỉnh hòn Trống Mái. Bầu trời trong xanh, lơ lửng từng cuộn mây trắng cuốn tròn bay ngang. Gió biển lồng lộng thổi tung mái tóc bồng bềnh của ông Hoàng, cha Lân. Cậu bé ngước nhìn cha như ngắm một thần tượng dạn dầy sương gió, khuôn mặt dắn dỏi, sống mũi thanh cao nằm giữa đôi chân mày rậm, miệng mím mà như cười, cặp mắt sáng, tia nhìn thẳng thắn mà xa xăm. Lân biết cha đang mơ một viễn ảnh đẹp đẽ… Ông Hoàng có lần nói với con: “Sau này lớn lên, muốn làm gì cũng được nhưng làm gì mà ngửng mặt nhìn trời không thẹn với trời, cúi xuống nhìn đất mà không hổ cùng đất… và nên giúp đỡ người nghèo, con ạ”.
Có lần ông Hoàng giắt con đi chơi, rồi để mặc cậu bé thơ thẩn một mình, ông ngồi xuống ghế đá trong công viên, đọc sách. Bỗng một đứa bé trai cùng trạc tuổi Lân, bẩn thỉu rách rưới sán lại gần. Rõ ra là một đứa trẻ ăn mày. Hắn giơ tay sờ vào bộ đồ nhung đen cậu bé đang mặc. Sợ bẩn bộ đồ đẹp, Lân ù té chạy về phía cha, la hoảng: “Ba ơi! Ba ơi! Ăn mày!”
Ông Hoàng ngẩng đầu, nhìn về phía hai đứa trẻ, Ông thong thả đứng dậy đón con, nắm chặt tay cậu bé và thong thả dắt Lân trở lại chỗ đứa bé ăn xin đang giương mắt nhìn sợ hãi, ông nhỏ nhẹ nói với con: “Con hãy chào người bạn mới này đi!” Giọng ông như có một uy quyền nào khiến Lân phải làm theo, ông móc túi lấy ra một hào đưa Lân, nhắc: “Con hãy đưa đồng hào này cho bạn”. Lân làm theo cha như một cái máy. Lân vẫn thấy ghê ghê đứa bé ăn mày bẩn thỉu, nhưng như có một sức mạnh nào tận đáy lòng thúc đẩy cậu tuân lời cha vì đó là lời khuyên đúng.
Ông Hoàng là tấm gương sáng cho Lân noi theo ngay từ khi cậu bé bắt đầu biết suy tư. Ông không có nhiều cơ hội gần gũi các con vì luôn luôn ông phải đi xa, nay đây mai đó. Sự bận bịu phải xa gia đình, vợ con, Lân mơ hồ biết là vì thời cuộc đòi hỏi. Những con người quốc gia vào những thập niên 20, 30, 40 đã sẵn sàng hy sinh bản thân, gia đình vì đất nước. Họ dành hết cuộc đời cho đại cuộc, cho vận mạng tổ quốc, cho tương lai dân tộc. Lân chỉ biết thế vì cậu còn nhỏ… nhưng trong tâm hồn Lân, cậu đã thấy được chính nghĩa của những người quốc gia, của các bác, các chú, của cha cậu. Vì thế Lân nhìn cha như một mẫu người lý tưởng nên theo. Tính ông Hoàng điềm đạm, giản dị và vui vẻ với tất cả mọi người, ông thích đùa giỡn với các con, ông lạc quan dù ở hoàn cảnh khó khăn, ông trầm ngâm tìm ra biện pháp thích ứng cho mọi trường hợp. Nhưng với chính bản thân, ông là người biết khắc chế, không cờ bạc, rượu chè, hút sách, trai gái, không đàn đúm, tán gẫu. Ông chỉ ham mê văn chương, sách vở và thích làm những gì có ích cho mọi người, cho đất nước không quản công sức, thời giờ. Rất may, ông gặp được những người đồng chí hướng, cùng tổ chức một nhóm văn đoàn đã gây một tiếng vang, làm xao động xã hội thời đó mà dư âm còn ảnh hưỏng tới ngày nay. Đó là những người có nhiệt tâm với dân, với nước. Đó là những người dám dấn thân.
Năm lên mười tuổi, cậu bé Lân đã cảm thấy thú vị và tự hào về những cuốn sách Hồng do nhóm văn đoàn cua cha cậu tạo ra, mà sau này lớn lên, Lân mới biết cha và bác ruột là những người đi vào lịch sử và có một sự nghiệp văn chương vững vàng. Mười tuổi, Lân đã cảm thấy sung sướng, hãnh diện mỗi khi nghe mọi người nhắc đến tên cha cậu với niềm kính trọng mà sau này Lân mới thấy tinh thần của cha là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho thanh niên Việt Nam giầu lòng yêu nước.