Trên con đường đạt đến vị trí quyền lực, gần như mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bạn có thể vươn tới vị trí quyền lực cao ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất nếu bạn có kỹ năng (Quyền Lực – Vì Sao Người Có Kẻ Không). Hãy xem xét trường hợp của Anne. Tốt nghiệp trường kinh doanh, Anne muốn lãnh đạo một công ty công nghệ cao mới khởi nghiệp. Nhưng Anne lại không có kiến thức căn bản về công nghệ. Cô là một kế toán và chưa từng học tập hay làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao. Không những thế, trước khi học kinh doanh, cô làm kế toán trong cơ quan nhà nước – cô từng là kế toán cao cấp trong một cơ quan trọng yếu ở một nước nhỏ và hiện cô đang tập trung vào nguyện vọng đầu quân cho Thung lũng Silicon ở California. Tuy nhiên, Anne đã đạt được mục tiêu của mình bằng những hành động quyền lực cực kỳ thông minh.
Thành công bắt đầu bằng sự chuẩn bị. Trong khi hầu hết những người đồng hương của cô chọn theo học các lớp doanh nhân ở trường kinh doanh, Anne lại chọn một lớp về khởi nghiệp kinh doanh ở trường kỹ thuật. Chỉ với lựa chọn đó, cô đã thay đổi động lực học của quyền lực và đòn bẩy thương lượng. Trong lớp học ở trường kinh doanh, mỗi kỹ sư có khoảng ba bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), trong khi ở trường kỹ thuật, cứ bốn kỹ sư mới có một người có bằng MBA. Cô giải thích rằng các thạc sĩ MBA không muốn đi bộ cả đoạn dài tới tòa nhà kỹ thuật. Không những muốn cải thiện vị thế thuận lợi, Anne còn muốn chọn lớp học ở gần phòng thí nghiệm – nơi phát triển công nghệ và cũng là nơi cô có thể dễ nắm bắt được những cơ hội thú vị. Nhờ áp lực từ giảng viên và các nhà đầu tư mạo hiểm – những người đánh giá các kế hoạch kinh doanh vốn được xem là phần trung tâm của khóa học nhằm đạt được các kỹ năng MBA tương ứng trong công việc, Anne đã có được đòn bẩy thuận lợi trong môi trường cô đã lựa chọn.
Sau khi qua phỏng vấn một số nhóm dự án, Anne gia nhập một nhóm làm về sản phẩm phần mềm cải tiến năng suất phần mềm hiện hành mà không đòi hỏi đầu tư nhiều vốn cho phần cứng mới. Tất nhiên cô không tham gia phát triển công nghệ, và gia nhập nhóm bất chấp thái độ khinh thường của các kỹ sư đồng nghiệp đối với năng lực của cô.
Có được một vị trí trong nhóm, Anne kiên nhẫn thể hiện và khiến các thành viên dần nhận ra giá trị của cô, thành viên nữ duy nhất trong nhóm. Ban đầu, nhóm muốn hướng tới sản phẩm trong một thị trường tương đối nhỏ (có ba công ty lớn). Anne chỉ cho họ dữ liệu cho thấy đây không phải là một ý tưởng hay, nhưng vẫn đồng thuận với mong muốn của cả nhóm là tập trung vào thị trường đầu tiên này trong bài thuyết trình trên lớp. Bài thuyết trình đã bị các nhà đầu tư mạo hiểm vùi dập không thương tiếc. Kết quả là, các kỹ sư bắt đầu cho rằng Anne có thể biết điều gì đó có giá trị thực sự. Khi khóa học kết thúc, nhóm tiếp tục triển khai ý tưởng của họ và nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ một công ty đầu tư mạo hiểm nhằm phát triển doanh nghiệp trong một mùa hè. Anne, người có tài viết lách nhất nhóm, đảm nhận vai trò tìm kiếm hỗ trợ tài chính.
Sau khi tốt nghiệp, Anne được một công ty tư vấn lớn mời về làm việc. Cô nói với cả nhóm về lời mời đó, để họ biết cô có thể chọn công việc lương cao hơn nhiều, để họ biết trân trọng cô và nhận ra chuyện cô rời nhóm là hoàn toàn có thể xảy ra. Cô cũng cố tình để các kỹ sư thử làm những việc mà cô thành thạo – chẳng hạn như thuyết trình và dự toán tài chính – để họ có thể thấy những việc này không hề đơn giản như họ tưởng. Anne vận dụng kiến thức chuyên ngành kế toán và kinh doanh của mình để duyệt lại các điều lệ thành lập công ty mới và các tài liệu về tài chính của công ty. Đồng thời, cô thu thập nhiều thông tin bên ngoài, và vì có nhiều mối quan hệ hơn các kỹ sư nên cô đã xây dựng một mạng lưới đối ngoại vững mạnh trong ngành công nghiệp mà họ đang hướng tới. Các mối quan hệ của cô đã giúp nhóm có được nguồn tài chính sau khi mùa hè kết thúc và số tiền trợ cấp ít ỏi ban đầu cạn kiệt.
Anne không chỉ có các kỹ năng kinh doanh – cô còn nhạy bén và cứng rắn. Khi khóa học kết thúc và nhóm quyết định thành lập công ty, ngoài cô còn có một ứng viên khác cạnh tranh vị trí CEO. Anne nói với các đồng nghiệp rằng cô sẽ không gia nhập công ty nếu người đó được chọn làm CEO. Để chứng minh rằng mình nghiêm túc và có thêm sự ủng hộ, cô để các đồng nghiệp của mình gặp gỡ các MBA có thể thay thế cho mình. Vì cô đã dành nhiều thời gian làm việc với nhóm, đồng cam cộng khổ, nên nhóm cảm thấy thoải mái với Anne hơn nhiều. Cuối cùng, cô trở thành đồng CEO và tìm được nguồn tài chính cho sản phẩm từ một quỹ đầu cơ. Dù chẳng có gì đảm bảo công ty hay sản phẩm sẽ thành công, nhưng Anne đã đạt được mục tiêu trở thành người lãnh đạo của một công ty công nghệ cao mới được thành lập sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh chưa đầy một năm, vượt qua những định kiến ban đầu và những thiếu sót nền tảng.
Trái với Anne, bạn có thể có nhiều kỹ năng liên quan đến công việc cũng như kỹ năng giao tiếp, nhưng lại bó mình trong một vị trí không mấy quyền lực, vì bạn không sẵn sàng hoặc không thể tham gia trò chơi quyền lực. Beth tốt nghiệp một học viện rất có tiếng và một trường kinh doanh cũng nổi tiếng không kém khoảng 20 năm về trước. Khi tôi tình cờ gặp lại cô, cô vừa mới nghỉ làm ở một tổ chức phi lợi nhuận sau khi giám đốc điều hành mới lên nắm quyền. Vị sếp mới là bạn của một số thành viên hội đồng phi lợi nhuận và từng làm việc với Beth. Anh ta xem năng lực của cô như mối đe dọa và sẵn sàng trả cô một khoản hậu hĩnh để loại cô ra khỏi tổ chức.
Sau khi có bằng MBA, Beth trải qua một sự nghiệp “phi tuyến tính”, thi thoảng bị ngắt quãng bởi tình trạng thất nghiệp cũng như một vài giai đoạn hài lòng cao độ về công việc. Cô vẫn giành được vị trí lãnh đạo ổn định trong lĩnh vực mình lựa chọn, dù đã có một công việc lâu năm trong chính phủ Mỹ – ở Tòa nhà Quốc hội Capitol Hill và Nhà Trắng. Vấn đề, như cô giải thích với tôi, là cô không sẵn sàng chơi trò chính trị tổ chức, hoặc ít nhất là không chuyên tâm và nỗ lực, thậm chí là không ngừng nghỉ như trong câu chuyện của Anne. Beth nói: “Ngoài kia là một thế giới khắc nghiệt, Jeffrey ạ. Người ta hưởng thành quả của người khác. Phần lớn mọi người chỉ để ý đến sự nghiệp của bản thân, mà không quan tâm đến lợi ích của nơi họ làm việc. Những người thích thể hiện là những người được vinh danh. Không ai nói với tôi rằng những đồng nghiệp của tôi đến văn phòng mỗi ngày với một danh sách những việc cần làm để bảo vệ và sau đó mở rộng tầm ảnh hưởng của họ. Tôi cho rằng tôi vẫn chưa sẵn sàng để trở nên xấu tính hoặc mưu mô hay hi sinh những điều tôi tin tưởng nhằm đạt được thành công, ít nhất là thành công như vẫn thường được đánh giá.”
Nghiên cứu thực nghiệm mang tính hệ thống, cũng như theo lẽ thường tình và kinh nghiệm hàng ngày, khẳng định điều mà hai câu chuyện đối lập nhau này thể hiện, đó chính là: có đầu óc nhạy bén chính trị và việc tìm kiếm quyền lực có liên quan tới thành công trong sự nghiệp, thậm chí còn tới thành tích quản lý. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã kiểm tra các động lực chính của người quản lý và mức độ thành công trong sự nghiệp của họ. Một nhóm những người quản lý chủ yếu được tạo động lực bởi nhu cầu được thừa nhận – họ quan tâm tới việc được mọi người yêu quý nhiều hơn là hoàn thành công việc. Nhóm thứ hai tìm thấy động lực từ nhu cầu đạt được thành tựu – đạt được mục tiêu cho chính bản thân. Và nhóm thứ ba chủ yếu quan tâm tới quyền lực. Bằng chứng đã chỉ ra rằng nhóm thứ ba này – những nhà quản lý chủ yếu quan tâm tới quyền lực, là nhóm hiệu quả nhất, không chỉ trong việc đạt được các vị trí có ảnh hưởng trong nội bộ công ty mà còn trong việc hoàn thành công việc. Một ví dụ khác, Gerald Ferris của trường Đại học bang Florida và các đồng nghiệp đã phát triển một bảng kỹ năng khôn khéo gồm 18 mục. Nghiên cứu được tiến hành với 35 hiệu trưởng nhà trường ở khu vực Trung Tây nước Mỹ và 474 nhà quản lý chi nhánh của một công ty dịch vụ tài chính quốc gia đã chỉ ra rằng những người có nhiều kỹ năng chính trị hơn nhận được đánh giá cao hơn về thành tích, và được xem là những người lãnh đạo hiệu quả hơn.
Vậy nên, chào mừng bạn đến với thế giới thực – không hẳn là thế giới chúng ta muốn, mà là thế giới đang tồn tại. Có thể ngoài kia là một thế giới khắc nghiệt, ở đó gây dựng cũng như sử dụng quyền lực là những kỹ năng tổ chức có tính sinh tồn. Có rất nhiều cuộc cạnh tranh một mất một còn vì công việc và địa vị. Hầu hết các tổ chức chỉ có một CEO, chỉ có một đối tác nắm quyền quản lý trong các công ty dịch vụ chuyên nghiệp, chỉ có một thanh tra trường học ở mỗi quận, chỉ có một thủ tướng hoặc tổng thống mỗi thời – bạn rõ rồi đấy. Với ngày càng nhiều người có đủ trình độ lúc nào cũng cạnh tranh cho một nấc trên chiếc thang địa vị của tổ chức, sự ganh đua thật căng thẳng và chỉ càng ngày càng căng thẳng thêm khi vị trí quản lý càng ngày càng ít đi.
Để được thăng tiến, một số cá nhân cạnh tranh phá vỡ quy luật của cuộc chơi công bằng hoặc hoàn toàn phớt lờ những quy luật đó. Đừng than phiền về điều này hoặc ước thế giới sẽ khác đi. Bạn có thể cạnh tranh và thành công ở mọi thể loại tổ chức, lớn và nhỏ, công và tư, nếu bạn hiểu và sẵn sàng sử dụng các nguyên tắc của quyền lực. Nhiệm vụ của bạn là biết cách chiếm ưu thế trong cuộc chiến chính trị mà bạn phải đối mặt. Nhiệm vụ của tôi trong cuốn sách này là nói cho bạn biết cách thực hiện điều đó.