Đội Cấn lắng nghe những tiếng động của một đêm sắp tàn. Trời còn tối nhưng tiếng gà gáy sáng đã eo óc xa xa. ở bên trại lính khố xanh Thái Nguyên, sức sống đang uể oải trỗi dậy; tiếng bàn ghế lục cục, tiếng nồi niêu va chạm, tiếng sạp giường tre rên lên cót két. Mọi tiếng động đều có vẻ bất ngờ. Hình như trong dãy nhà thấp mái tôn này mọi người e ngại làm động tới giấc ngủ hiếm hoi của trẻ thơ hoặc sợ hãi một điều gì đây sẽ làm đảo lộn cả cuộc đời mà họ đã quen chịu đựng từ lâu. Nhưng một bước chân vụng về nào đó đụng phải một đồ vật bằng kim loại gây thành một tiếng động lanh lảnh. Rồi thình lình tiếng trẻ khóc thét lên. Tiếng khóc như tiếng mèo kêu. Chắc đứa trẻ cũng gầy guộc như một nhách mèo con đói sữa. Đội Cấn nằm chìm trong mớ âm thanh quen thuộc ở nơi đã trên mười năm ông tiêu hoài tuổi trai trẻ của mình. Dãy nhà thấp mái tôn có mười mấy gian. Nhà chung tường, chung ngõ, chung bếp theo một kiểu cách gặp bất kỳ ở ven một cái đồn khố xanh, khố đỏ miền trung du và mạn ngược.
Thực ra, đội Cấn mới về đóng ở Thái Nguyên bốn năm nay, năm 1913. Nhưng những năm trước, ông đóng ở Đu, ở Chợ Chu, ở Phấn Mễ, ông cũng có một gian tương tự trong một dãy nhà mái tôn thấp giống thế này. Nó giống nhau đến nỗi ông tưởng như mình ở đây đã từ lâu. Đó là cảm giác một người mê muội trong sự tù đọng ở một cái trại “con gái”! Người ta lúc nào cũng nơm nớp chờ một cuộc chia tay, người đi người ở đều xót xa… Dưới bếp đã thấy lửa nấu cơm lom đom. Tiếng chuyện trò rì rầm chen lẫn tiếng gắt, tiếng nựng con. Và thình lình dãy nhà bừng tỉnh dậy với tất cả cái vội vã, chen chúc, nửa tối nửa sáng của một trại con gái sau tiếng kèn “la vầy”. Kèn “la vầy” từ trại lanh lảnh cất lên hồi hai. Đội Cấn vẫn im lặng. ông vừa thức trắng đêm để suy nghĩ nhưng chưa bao giờ ông thấy mình tỉnh táo như lúc này. Kể cả thể xác của ông cũng vậy, ông thấy máu chảy dồn dập và biết rằng cặp mắt của mình đang sáng lên như mặt một chàng trai trẻ. Đội Cấn lắng nghe cuộc sống đang diễn ra hùng hục ở chung quanh. Rõ ràng trại con gái khác trước khá nhiều. Non một nửa số gian của dãy nhà lên đèn chứng tỏ chủ có nhà. Số còn lại im lìm, mặc dù cửa ra vào mở toang ra để lộ bên trong tăm tối, hoang vắng. Đội Cấn thương những người đang mắng mỏ, gắt gỏng vợ con, giọng gằn lại. ông hiểu họ đang lo lắng. Từ mấy năm nay, cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức ở Châu âu diễn ra giằng co.
Năm 1914, lính Đông Dương nghe tin âu chiến như tin hội hè. Nhưng chỉ vài tháng sau, Tây lấy lính “tình nguyện” cho mẫu quốc hết đợt này sang đợt khác. Tất cả những chuyến tàu chở lính đi Tây đều được báo Tây đăng tin lên trang nhất. Các nhà báo lĩnh “lương thêm” ở ngân sách phủ Thống sứ, viết những bài ồn ào, gọi những người lính đi Tây ấy là lính “tình nguyện”. Lúc tàu nhổ neo có lính bồng súng chào theo lệnh chỉ huy của mấy viên sĩ quan to béo, bụng bằng cái thúng; có đội lính kèn chơi các bài nhạc binh huyên náo; có cả sĩ quan thay mặt võ phòng phủ Thống sứ đọc “đít cua” chúc mừng khen ngợi những người “con” bản xứ đã “tình nguyện” sang Tây, mang lồng ngực (lép kẹp) để bảo vệ nước mẹ(?). Những người “con cưng” này được chia ra làm nhiều loại mặc dù họ chả có gì hác nhau: nào là lính tập, lính có nghề, lính vô nghề nghiệp… Ngoài một số đã mặc áo lính vài ba tháng, một, đôi năm, còn phần lớn chỉ ít ngày trước đây vẫn cầm theo trâu ngoài ruộng; họ đã được “chọn” đi Tây trong những cuộc “mộ lính tình nguyện” hết sức kỳ quặc. Viên công sứ tỉnh Thái Nguyên đã làm như thế này: Ngài cho gọi các quan Nam triều đến dinh chánh sứ vào bảo các quan rằng Đức tặc đánh mẫu quốc, dân An- nam-mít là con đỏ của mẫu quốc, có bổn phận phải xả thân giúp mẫu quốc. Các quan Nam triều đứng đầu là viên bố chánh vâng dạ lia lịa. Quan công sứ bèn chia cho mỗi phủ, huyện phải nộp bằng này người “tình nguyện”. Ngài bảo: “Bằng cách nào có được thì làm. Các ông cứ việc tùy đấy mà xoay xở lấy…