Oẳn tù tì – nghi thức để bước vào tương lai
Thực lòng mà nói tôi không hề ham hố trò oẳn tù tì, chỉ khi nào phải đối mặt với những vấn đề lớn khó lựa chọn, nhưng lại không biết phải đưa ra quyết định ra sao, tôi mới chọn cái phương thức giải quyết vô cùng đơn giản và tức thì này.
Vấn đề không nằm ở chỗ thắng thua, mà điều quan trọng là bằng cách nào để có thể nhận định được đâu là việc khó quyết định, và sau khi đã quyết liệu có thể tuân theo sự lựa chọn của mình mà không một chút hối hận nào không.
Thông thường, tôi cũng có thể được coi là người khá quyết đoán, thường thì nếu trong đầu xuất hiện một ý định cụ thể, tôi sẽ có đủ tự tin để hoàn thành việc đó. Tôi phát ngán đối với những cuộc họp dài dòng văn tự, ý kiến thì nhiều nhưng rốt cuộc chẳng đi đến bất cứ kết luận nào, tôi cũng ghét cái việc phải đắn đo cả ngày trời trước khi làm việc gì đó, hết lo cái này, lại sợ cái khác, cả ngày luẩn quẩn trong sự bế tắc.
Tôi tin rằng nếu không phải là sải bước về phía trước, thì nghĩa là đã nằm xuống không làm gì cả, không có những trường hợp “để xem tình hình hẵng hay”, càng không được phép lùi bước. Chính vì vậy những việc khiến tôi phân vân do dự thực ra không nhiều. Không nhiều, có nghĩa là vẫn có; điều khiến tôi hoang mang do dự thường không phải công việc, mà chính là con người có tâm hồn bằng xương bằng thịt.
Tôi yêu con người, giống sinh vật tổng hòa của những xúc cảm giận dỗi, tham lam, đố kị, mỏng manh, nhạy cảm và lương thiện. Bạn không nhìn ra, không nhận rõ, song không thể không sống chung cùng họ. Khi họ lộ ra bộ mặt xấu xa của mình, bạn sẽ căm hận đến độ có thể ăn tươi nuốt sống họ; nhưng khi họ tỏ ra dịu dàng đáng yêu, bạn lại không thể kiềm chế bản thân mà dành cho họ tình cảm yêu thương trìu mến.
Chỉ có con người mới có thể làm vướng bận đến ý chí quyết đoán mãnh liệt của tôi, tôi lấy ví dụ, những cuộc tranh luận với người thân, bạn bè thường đẩy tôi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi vô cùng trân trọng những người tôi yêu quý, nhưng trân trọng cũng không tránh khỏi có những lúc ý kiến bất đồng. Tôi không muốn kéo dài những trận cãi vã đôi co với người thân, làm tổn thương đến hòa khí giữa đôi bên, vậy là tôi sẽ đề nghị chơi oẳn tù tì.
“Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này”, sau đó người thua cuộc phải nghe lời người thắng cuộc, dám làm thì phải dám chịu, chúng ta có thể vui vẻ cùng nhau đến già.
Vì những người tôi yêu thương, tôi có thể vứt bỏ sự kiên trì, và sẵn sàng chịu thiệt thòi cốt để cầu toàn. Nhưng lẽ đương nhiên tôi không nhân nhượng một cách vô điều kiện, thường thì cần phải có một tiền đề lớn, tức là việc này không được liên quan gì đến phải trái đúng sai, cho dù là một vấn đề khó khăn không có cách giải quyết.
Cũng chẳng cần phải quá cố chấp để quyết định bữa tối ăn cơm hay ăn mì. Vấn đề ai quét nhà, giặt quần áo cũng có thể thỏa thuận được. Mất thì giờ ngồi tranh luận với nhau xem bản tính con người là thiện hay ác, trứng có trước hay gà có trước, người ngoài hành tinh có thật hay không, thì quả là nực cười và rỗi hơi.
Lúc ấy thôi thì oẳn tù tì vậy! Chỉ vẻn vẹn vài giây đồng hồ đã có thể kết thúc một cuộc tranh luận vô nghĩa, để quay lại với không khí hòa bình vui vẻ trước đó.
Song đâu phải chuyện nào cũng có thể giải quyết qua loa bằng trò chơi con trẻ? Có người hỏi tôi như vậy.
Cũng đúng, trên đời này có quá nhiều việc không phải trò trẻ con, như sự nghiệp, tình yêu hay hôn nhân gia đình. Thế nhưng cũng chính vì không thể giải quyết tùy tiện, cho nên đến khi nảy sinh những vấn đề rối rắm, khó tháo gỡ, lẽ nào bạn vẫn muốn tiếp tục sa xuống vũng lầy, để cho đôi bên cùng bị tổn thương hay sao?
Xin thứ lỗi cho tôi khi đã dùng những lời lẽ quấy quá lỗ mãng phủ nhận quan điểm này, nhưng nếu buộc tôi đứng nguyên một chỗ để chịu đựng mọi sự giày vò, thì tôi thà mạo hiểm tiến về phía trước, dù rằng kết quả có thể sẽ càng tệ hại hơn, nhưng ít nhất tôi đã không giẫm chân tại chỗ.
Vì vậy tôi đã oẳn tù tì.