Một xe đạp mi-ni thồ mấy thứ đồ lỉnh kỉnh, hai cô cháu – hay hai mẹ con gì đó – người bên này kẻ bên kia, vừa đẩy vừa đỡ thật vất vả, tới đúng chỗ xích lô đỗ của Sáu Bi thì đứng lại.
– Bác có chở không?
– Có chớ! Đi đâu?
Người đàn bà chỉ trỏ, nhắc tên con hẻm.
– Nhiêu bác?
Sáu Bi lặng im. Giáp mặt rồi, Sáu Bi chợt bối rối. Ai như cô Hương, con cụ giáo Phước, nhà cùng con hẻm nhà Sáu Bi. Đúng vậy rồi! Vậy là hai mẹ con cô giáo Hương về nhà bà ngoại đây. Đồ đạc kiểu này, cả valy, cả bếp dầu, soong nồi… đúng là dọn nhà.
– Lên đi cô.
– Nhiêu?
– Khỏi. Tôi cũng về đó mà. Cháu đây hả cô? Ngoại gặp rồi mừng hết biết cho coi!
– Ôi! Vậy là bác có biết bà già tôi. Thôi, bao nhiêu cũng được. Thương lên ngồi xích lô, má đạp xe. Lẹ lên con.
Nhỏ Thương tháo các đồ đạc cồng kềnh buộc ở xe đạp. Sáu Bi xếp lên xích lô, đâu vào đó, nhưng lúc Thương ngồi, cố nép lại, vẫn cao lênh khênh. Kỳ quá! Bây giờ mà gặp lũ bạn cùng lớp thì cứ phơi mặt ra, lại là đề tài cho bọn nó dựng chuyện suốt tuần.
Thấy má được nhẹ nhõm, vuốt lại mái tóc, thấm mồ hôi trên mặt, Thương yên lòng, lắng nghe những câu trao đổi của má với người đạp xích lô:
– Sao bác biết bà già tôi? Bác ở cùng hẻm à?
– Cô kêu tôi là Sáu Bi. Cũng có thể cụ nhớ ra tôi, nhưng đã chắc đâu đấy. Nhưng tôi thì không quên ai đâu. Xửa xưa, tôi đã học thầy Phước mà… Hồi ấy cô Hương vào Sư phạm…
Thương thấy má bắt đầu chuyện trò nhiều hơn. Chỉ khi bất ngờ bác Sáu Bi này hỏi “Cậu ấy làm lớn lắm, phải vậy không?” thì Thương không nghe má trả lời và cũng ngưng nói chuyện. Thương cho là đúng. Nỗi đau còn đang thấm đậm trong lòng hai mẹ con đây, một khơi gợi bất chợt nào đó vào hình ảnh người đàn ông ấy đều làm xót xa, ớn lạnh.
Nước mắt bỗng ứa ra, Thương cúi xuống lau vội vào cánh tay áo, nhưng má Thương cũng đã nhìn thấy.
Tội nghiệp, nó đâu còn nhỏ nữa. Nó rất thấm thía cuộc tan vỡ này. Nó lại là đứa con gái dễ xúc động. Từ hôm nay, nó không còn người bố, liệu người mẹ đơn độc là mình có đủ sức cáng đáng nhiệm vụ của cả hai người cho con không?
Chợt, cả bác xích lô và hai mẹ con Thương đều reo cùng một lúc:
– Tới rồi!
Thương nhảy tót xuống, đập cửa:
– Ngoại… ơ…ơ… ơi!
Cửa mở ngay, cứ như là ngoại vẫn đứng chờ đó từ bao giờ.
– Ngoại!… Má!…
– Con!… Con!…
Sau tiết học đầu, Thủy gặp ngay cả nhóm:
– Bệnh hay gì?
– Ai mà biết! Tan giờ đến nhà nó ngay. Chước thấy thế nào?
– Ô kê! Không có gì mà phải ầm ĩ!
Chước vừa nói vừa xoa xoa mấy ngón tay lên má, lên mí mắt mình. Cả nhóm chờ Chước nói tiếp, vì mỗi lần có cử chỉ đó, “điệp viên Chước” thường hé mở một vài bí mật, chỉ có người trong “nhóm” mới được nghe.