Sau nhiều năm làm công nhân, 60 tuổi, bố tôi được xí nghiệp cho nghỉ việc vì hết tuổi lao động. Nghỉ ở nhà, hết đi ra đi vào lại ngồi chơi cờ tướng với mấy ông bạn già hàng xóm được mươi ngày rồi cũng chán, bố tôi bắt đầu xoay việc. Vốn tính tài tử, ông chọn một việc làm khá thong dong là bẫy chim lưới, một việc mà ông có ít nhiều kinh nghiệm từ thuở nhỏ, lúc còn ở nhà quê. Ông bỏ ra mấy ngày đi mua lưới, bảo tôi làm phụ một số đồ nghề gồm: lồng chim, cọc sắt với hơn hai chục thước dây dù dùng để kéo lưới từ xa.
Xong việc chuẩn bị, bố tôi “lên đường” ngay dù còn thiếu vài chú chim mồi nữa. Ông nói là sẽ tìm mua sau, mua lại của mấy “thầy” đã hành nghề lâu năm ở quanh khu vực Ông Tạ[1]. Sáng hôm sau, lúc trời còn chập choạng, bố tôi đã dắt xe ra khỏi nhà, trên xe gài lủng lẳng đủ thứ: lưới, dây, liềm phạt cỏ và lồng chim lớn bé cả thảy ba cái.
Hai ngày đầu, bố tôi đi rồi lại về không. Ngày thứ ba, ông mang về gần chục chú chim vừa di lẫn sẻ, nhưng là… mua lại của mấy “thầy”, để làm chim mồi. Ông cho tôi xem một chú sẻ được nhốt riêng vào cái lồng nhỏ, đấy là chim kêu. Loại này đặc biệt, phải “tuyển” từ trong đàn vì nó biết kêu lảnh lót gọi đàn mỗi khi thấy đồng loại của nó bay qua trên đầu. Ông chăm sóc chú chim kêu này khá đặc biệt, cho ăn thóc đã được chà tróc vỏ. Ông cũng nuôi riêng một lồng nhỏ nữa có bốn chú chim di, loại này cần bầy đông nhưng dễ nuôi.
Có chim mồi đầy đủ rồi, những ngày sau, bố tôi đi đặt lưới không ngày nào phải về không. Có hôm, sau mùa gặt lúa ở một vùng ven đô, ông “trúng đậm” một lồng chim đầy, toàn di. Ông bảo loại chim di này dại, chúng đi từng đàn, dễ sà vào lưới khi nghe tiếng kêu của chim mồi. Nghe ông nói bắt ham, thấy thích thú, nhiều sáng tôi đã rong ruổi theo ông đi đến những cánh đồng lúa ở xa, đặt bẫy di. Có hôm lại vào một khu nghĩa trang hoặc một khu doanh trại quân đội nào đấy để bẫy sẻ. Đi mãi, tôi cũng tích lũy được một “bề dày” kinh nghiệm từ việc chọn vùng có chim, chuẩn bị dọn bãi đến cách đặt lưới theo hướng chim bay, sao cho có hiệu quả… kinh tế. Bầy chim bắt được, bố tôi thường đem vào Chợ Lớn bán mối cho một nhà thu mua người Tàu ở gần một ngôi chùa lớn. Từ đây, bầy chim được đem bán cho những người mộ đạo Phật. Họ đi lễ chùa, mua chim thả cho chúng bay ra bầu trời tự do để cầu xin sự phúc lành cũng như may mắn.
Cũng từ dạo bố tôi đi bẫy chim, bọn trẻ con trong xóm thường đợi lúc ông về là bu vào dòm xem lồng chim với ánh mắt thèm thuồng, nghịch ngợm. Có đứa nhịn ăn quà sáng, đưa tiền cho bố tôi, bảo mua. Nhưng chúng nó đâu đứa nào có được cái lồng chim đẹp đẽ làm bằng tre. Đứa đem nhốt chim vào cái lồng bẫy chuột, đứa chỉ cột dây vào chân chim, chơi được một buổi, nó lăn ra chết, nếu không cũng bị mèo vồ mất. Những lúc đi về, mệt, lại bị bọn trẻ luôn bu vào quấy rầy, bố tôi hay xua bọn trẻ đi chỗ khác chơi, nhưng chúng ít khi nghe. Trong đám, có thằng Thạch là lì nhất. Nó không quậy phá nhưng đeo bám cái lồng chim bằng tất cả sự thích thú kỳ lạ. Nó nghe tiếng chim rồi kêu nhái lại y chang khiến bố tôi ngạc nhiên thích thú. Ông không xua nó đi nữa mà lại tỉ tê trò chuyện với nó những câu chuyện về chim muông…
Nhà thằng Thạch vốn không khá giả, lại có ông bố nát rượu, chẳng làm ăn gì được, thành thử cứ mỗi ngày một túng bấn. Có hôm, nó ngồi xem bố tôi chăm sóc mấy lồng chim mà đôi mắt đỏ hoe vì bị ông bố say rượu cho ăn đòn và đuổi đi, cả con chị lẫn một thằng em nữa. Tôi hỏi tại sao, nó bảo tại bố uống chưa đủ “cữ” mà mẹ lại không còn tiền mua rượu nên ông mới “quậy”. Rồi nó nói như phàn nàn với bố tôi: chợ búa mấy hôm nay ế ẩm quá, mẹ nó có gánh rau bán mãi đến chiều mới hết. Tôi nghe nó nói cũng cảm thấy thương vì thằng Thạch đâu phải là đứa phá phách.