Ngày ấy, hình như cha luôn có điều cần nói với Tâm, nhưng không nói. Là Tâm đoán thế, chẳng chắc lắm. Bởi vì, thật vậy, giữa một người cha và một thằng con thì phỏng có gì nhiều nhặn để mà quanh quẩn chuyện trò. Cha Tâm lại vốn kiệm lời. Có thể nói, ông cực độ im lìm. Trong căn phòng chật chội, hai chục thước vuông, không cửa sổ, thừa muỗi và thiếu khí trời, ngày đêm sống dồn ních cả gia đình lại với nhau, thỉnh thoảng Tâm mới nghe thấy thấy đôi lời của cha, nhưng cũng chỉ là những lời mà tất nhiên ai cũng phải nói mỗi ngày. Mọi sự trong nhà, ông như chẳng can dự. Từ khi phải về hưu non dường như quanh năm suốt tháng ông chẳng đi đâu, chỉ ngồi. Mình ông một chỗ bên bàn nơi góc phòng, với ấm trà, chẳng nói năng gì, âm thầm tự buông trôi. Đêm, ông trở dậy, bật đèn bàn lên, lặng ngồi, nhiều hôm tận sáng.
– Này, lại cha bảo này… – Ông nói – Cha muốn…
Nhưng mà ông chẳng bao giờ mào đầu được. Từ hôm Tâm có giấy gọi nhập ngũ đã mấy lần cha anh lại cha bảo này như thế. Tâm chờ. Mãi không thấy cha cho biết cha muốn gì, Tâm chẳng gặng.
Ngày mồng bốn Tết, ngay trước hôm Tâm lên đường, buổi chiều, cha bảo anh đi dạo cùng ông. Thời tiết ẩm thấp dù không mưa. Đúng hơn là mưa bay nên không trông thấy, nhưng mặt đường thì ướt và trơn. Một cuộc đi dạo thẫn thờ. Hai cha con sóng đôi, chẳng nói rằng, im lìm rời khỏi khu phố nghèo, vá chằng vá đụp của mình để đi vào vùng trung tâm chật chội, khúc khuỷu, xạm màu rêu xế bên Bờ Hồ. Tâm có cảm giác như là cha vừa đi vừa lặng đi. Cái áo bạc-đờ-xuy cũ mèm của cha thủng lỗ chỗ. Tâm đỡ khuỷu tay cha, đưa ông sang đường.
– Thành phố chiến tranh – Cha Tâm thốt lên thật khẽ – Như bên bờ vực.
Hai cha con vào một quán cà phê “chui” nằm ẩn trên tầng áp mái một ngôi nhà cũ nát ở kế rạp Chuông Vàng.
Cửa quán là chè đậu đen, nhưng vòng ra sân sau, lên cầu thang thì là cà phê phin. Một khoang gác ọp ẹp, khuất tất. Dăm bộ bàn ghế tồi tàn, thấp tịt. Khách khứa lặng lờ như những cái bóng, nhòa mờ, không ai nhìn rõ ai. Người ta có thể tùy hứng lần đến đây uống cà phê vào bất kỳ giờ nào trong ngày, và người ta có thể ngồi trốn đời ở đây cả ngày, ngày này qua ngày khác. Cà phê Định Mệnh, ai đó đã gọi cái quán vô danh này như thế, lâu ngày thành tên.
– Xưa, Hà Nội là một thành phố giàu nữ tính, rất nồng nàn và nhậy cảm. Bây giờ… – Như thường vẫn thế, cha Tâm bỏ lửng câu nói.
Bàn của hai cha con kê kề một ô cửa sổ hẹp không có khung gỗ, giống như là một lỗ thủng. Trông ra thấy sàn sàn nhấp nhô cả một vùng ướt át những mái nhà phố cũ và những sân thượng, sân sau, những căn gác lửng. Một Hà Nội cũ xưa, tróc lở, nom là lạ, được nhìn thấy từ phía sau lưng.
– Quán cà phê này có từ xưa lắm rồi. Xưa sang trọng hơn nhưng cà phê cũng như bây giờ thôi – Cha Tâm nói – Chắc là con không biết. Quán này vốn của ông bà ngoại con… Hôm 19 tháng Chạp, ông bà đã tản cư, mẹ con vẫn còn ở lại. Cha tới đây, ngồi ở chính chỗ này này. Đèn vụt tắt, súng nổ… Thế là cha và mẹ cùng ở lại trong Liên khu 1. Số phận đã định đoạt cho cha mẹ như thế, và cho cả các con nữa… Mẹ đã bao giờ kể với các con chưa: cha và mẹ vốn là bên lương bên giáo. Cho nên, nếu không có Kháng chiến thì đã không có con và các em con. Kháng chiến thành công, bồng con về thì cả hai gia đình nội ngoại đều đã di cư vào Nam…