Lại xin bắt đầu câu chuyện này từ một con sông mặc dầu tác giả không bao giờ muốn lặp lại cái gì mình đã viết.
Đã ngót nghét mười năm, từ 1954 đến khi câu chuyện này xảy ra; cuối năm 1964, con sông Hiền Lương được quàng vào mình một cái tên mới, Sông giới – tuyến. Tên mới mà lại rất cũ, cũ mà lại quá mới, như vành khăn tang mà bất kỳ một ai không thích nó vào đầu cũng thấy bàng hoàng không tin được một điều bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra với chính mình.
Vào những năm ấy, sông Hiền Lương cũng là nơi thu hút bước chân của nhiều người. Người ta đến bờ sông này với rất nhiều lý do khác nhau. Trước hết là bước chân của những nỗi đau, nỗi nhớ, những day dứt và khát vọng. Có người mẹ từ tít mũi Cà Mau cũng cơm nắm cơm đùm tìm ra tận nơi để được nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng miền Bắc. Rồi lại những bước chân khắp năm châu bốn biển tìm về đây như tìm đến một sự thật lịch sử, một đòi hỏi nóng hổi của thời đại này: độc lập – tự do. Rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó dù không nhiều cũng có những kẻ chạy trốn. Trốn khỏi một thực tại, một chế độ. Những kẻ đó chẳng còn con đường nào khác là vượt qua giới tuyến.
Những kẻ vượt tuyến đi từ ngoài Bắc vào, thường thường không dám bám theo trục đường quốc lộ 1. Vì như vậy rất dễ bị lộ. Họ rẽ lên phía tây, vượt qua những dãy đồi đất sỏi trập trùng của Quảng Bình mà vào Vĩnh Linh. Tại đất giới tuyến này, phía tây con sông Sa Lung cũng là những dãy đồi tràm lúp xúp mênh mông của Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy. Chẳng có lực lượng công an hay dân quân nào rải cho khắp các khu đồi ấy. Cho nên những kẻ vượt tuyến may mắn thường lọt được vào tận ngã ba sông, nơi con nước Sa Lung đổ vào sông Hiền Lương.
Nhưng cái ngã ba sông mà nhiều kẻ đã gọi là “tam giác chết” này, ông trời đã không dung kẻ phản nghịch. Con sông Sa Lung đang chảy một cách thong dong theo hướng Bắc – Nam song song với quốc lộ 1, đáng lý ra nó phải hợp với sông Hiền Lương thành một góc vuông thì có lẽ tạo hóa đã đoán trước được sự thể những năm tháng này cho nên mới uốn quặt dòng Sa Lung rẽ ngược lên hướng tây một đoạn khá dài rồi mới lại ghép vào dòng sông giới tuyến mà quay ngoặt trở lại để ra biển. Chính cái khúc oái oăm này đã tạo nên cái lưới bẫy. Những kẻ vượt tuyến thường đi ban đêm, cứ lò dò nhằm hướng nam mà vào. Bên tay trái họ là dòng Sa Lung chảy xuôi theo hướng họ đi. Trước mặt là sông giới tuyến giăng ngang. Họ đinh ninh như vậy. Cho nên đến khi bàn chân chạm phải đoạn sông giăng ngang thì lập tức họ thầm reo lên trong lòng: Bến Hải, Hiền Lương đây! Thế là nhào xuống. Lặn một hơi thật dài thì ra được gần nửa sông. Ngoi lên lấy hơi rồi lặn thêm cú nữa. Đã hai phần ba biên giới rồi. Họ vung tay đạp nước ào ào. Chạm bờ rồi. Thoát khỏi bàn tay cộng sản rồi. Ơ, sao vượt tuyến lại dễ dàng đến vậy? Họ lên bờ. Việc đầu tiên là những kẻ đó phải tỏ ngay tấm lòng mình cho người bờ Nam hiểu kẻo bị bắn oan. Họ, mặc dầu áo quần còn ướt sũng nước, có khi rét đến cứng hàm, nhưng vẫn rán hơi rướn cổ gào thật to: “Ngô tổng thống muôn năm”. Và ngoảnh ra bờ Bắc, nơi đã nuôi họ từ khi chiếc tã còn đẫm mùi hăng hắc cho đến ngày biết bơi biết lặn, họ hét: “Đả đảo chế độ cộng sản độc tài!”. Đáp lại tiếng hô của họ là mấy bóng người chạy ra im lặng nắm tay họ kéo vào một ngôi nhà nào gần nhất. Họ vừa hồi hộp vừa sung sướng vừa hô líu lưỡi: “Ngô tổng thống muôn năm!”. Đến khi chui vào nhà, ngẩng mặt nhìn lên bỗng thấy ảnh Cụ Hồ, họ đứng đực ra như cây sú chết cháy. Cụ Hồ vẫn cười hiền từ nhìn họ. Còn chủ nhà, có lẽ đã quá quen với cảnh này nên khoát tay chỉ ra ngoài và giới thiệu bằng một giọng tự nhiên đến mức sởn cả gáy: “Các bác hô khẩu hiệu khí sớm. Sông Hiền Lương phía trước nớ tề!”. Dĩ nhiên sau đó số phận những kẻ dại dột ấy thế nào, có lẽ ai cũng đoán được.