San chào đời tại một làng nhỏ giữa rừng sâu, cách Vạt-xô-vi 50 cây số. San không giữ được một kỷ niệm nhỏ về mẹ mình vì bà mất khi San còn bé lắm, chưa đến thời kỳ dứt sữa. Tuy vậy, San vẫn nói thông hai thứ tiếng Pháp và Ba Lan – mẹ San là người Pháp – và gia nhân cũng thế.
Tam A, vú già trung tín của gia đình đã chăm sóc San suốt thời thơ ấu một cách tận tâm, từ khi cha San ở Vạt-xô-vi cho đến khi, vì lý do sức khỏe của San, cha cậu lại đưa cậu về làng Ất, nơi cậu mở mắt chào đời.
San lớn phổng lên như thổi trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã ấy.
Cha San vốn là một y sĩ, song người ta rất ngạc nhiên mà thấy ông không mấy chú tâm đến việc hành nghề thủ lợi lại dành hết thì giờ cho một cái phòng thí nghiệm dưới hầm, đặt tại nhà riêng của ông tại Vạt-xô-vi. Ông ở lỳ trong đó ngày cũng như đêm để tìm tòi, nghiên cứu cùng với một phụ tá và cũng là bạn chí thân: bác Minh Sơn.
Minh Sơn, một người đàn ông khoảng trung niên, vạm vỡ và có sức khỏe đặc biệt. San vẫn giữ mãi kỷ niệm về bác ấy: bác ưa đặt San ngồi lên lòng bàn tay hộ pháp của mình, còn tay kia chỉ đưa lên, xa xa để cốt giữ thăng bằng nếu San có tỏ ra sợ hãi hay ngồi không vững.
Bác có đôi mắt mầu xanh nhạt, bộ tóc hoe đỏ và luôn luôn bù rối, che khuất vầng trán phẳng, thông minh.
San đã sống những chuỗi ngày vui vẻ, hồn nhiên trong ngôi nhà nhỏ với vú Tam A, mà thế giới của cậu là khu vườn có nhiều nai, hoẵng. Cậu đinh ninh mình rất mực tự do, không chút nghi ngờ thắc mắc, cậu không hay biết rằng sự thực thì Bách, người lão bộc trung thành vẫn ngày đêm canh chừng cho tiểu chủ không rời.
San vẫn cỡi con ngựa nhỏ, xinh đẹp mà bác Minh Sơn cho cậu trong dịp sinh nhật năm rồi. Bộ lông mượt như tơ, dày kịt, dày hơn lông gấu, con ngựa Phi Tiễn thật xứng với tên, nhất là khi nào San thúc nó phi nước đại vượt rừng rậm, gai góc, đuổi theo những con hoẵng lanh tựa loài chồn! Luôn luôn, sau những lần như vậy, người ngựa trở về, San thì mặt mày tay chân sây sát, sướt máu, còn ngựa thì mồ hôi ướt đẫm cả bộ lông.