Trong văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 có khoảng 200 cuốn tiểu thuyết. Nhiều tác giả, tác phẩm, nhân vật gây sự chú ý bởi có những nét riêng duy nhất, không giống ai. Sau đây là những cái “nhất” trong lĩnh vực tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh.
Nhà tiểu thuyết có chức vụ cao nhất là Nguyễn Đình Thi. Từng giữ các chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Ủy viên Thường trực Quốc hội, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam (từ 1995, là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật). Ông cũng là nghệ sĩ đa tài nhất vì tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau: viết tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ, viết lý luận – phê bình, soạn kịch, sáng tác nhạc…
Tác giả viết nhiều tiểu thuyết nhất là Nguyễn Khải, có 6 tác phẩm: Xung đột, Một chặng đường, Đường trong mây, Ra đảo, Chủ tịch huyện, Chiến sĩ (chưa kể hàng loạt tiểu thuyết sau 1975). Nhà văn ở vị trí tiếp theo là Nguyễn Đình Thi.
Tên tác giả dễ nhầm lẫn nhất là “Phương” vì có nhiều nhà tiểu thuyết cùng thời mang tên này: Hồ Phương, Huy Phương, Lê Phương, Nguyễn Thế Phương, Đào Phương, Nguyễn Việt Phương.
Các tiểu thuyết có nhiều tác giả cùng đứng tên nhất là “Đôi bờ” (Nguyễn Dậu, Nhất Hiên), “Nhãn đầu mùa” (Xuân Tùng, Trần Thanh), “Hòn đá cõi” (Thạch Giản, Đức Ánh).
Tiểu thuyết cách mạng được công bố sớm nhất là “Xung kích” (1951) của Nguyễn Đình Thi và Vùng mỏ (1951) của Võ Huy Tâm. Sau đó là Con trâu (1952).
Tiểu thuyết được in với số lượng nhiều nhất là “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh. Tác phẩm được NXB Thanh Niên in lần đầu năm 1957, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Liền sau đó, tái bản đầu 1958. Cũng cuối năm đó, định in lần 3 với số lượng hàng vạn cuốn thì bị đình bản vì có ý kiến chỉ trích. Sau Đổi mới, NXB Thanh Niên cho in lại với số lượng 40.000 cuốn và NXB Văn học lại in thêm 700 cuốn…
Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất là “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi. Sau khi ra đời 1967, nó liền được dịch ra các thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari, Rumani, Cuba, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha… Đây không phải là tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao nhưng lại có tính thời sự nóng hổi. Các tác phẩm khác cũng được xuất bản với số lượng lớn ở nước ngoài là “Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi) v.v…
Tiểu thuyết được đoạt giải thưởng cao nhất là “Miền Tây” của Tô Hoài, giải thưởng Hoa sen của Hội nhà văn Á Phi năm 1970.
Tiểu thuyết bị chỉ trích nhiều nhất là “Đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan. Sau khi công bố năm 1963, nó bị hàng loạt bài công kích. Về sau, các nhà nghiên cứu, phê bình cũng thường xuyên nhắc đến nó với tư cách là tác phẩm đại diện cho bộ phận phi sử thi trong văn học Việt Nam dưới chế độ XHCN.
Tiểu thuyết có dung lượng lớn nhất là bộ “Cửa biển” của Nguyên Hồng. Ngót 2000 trang, cũng là tác phẩm có nhiều tập nhất: Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời.
Tiểu thuyết có nhan đề dài nhất là: “Một chuyện chép ở bệnh viện” (Bùi Đức Ái) và “Dưới đám mây màu cánh vạc” (Thu Bồn). Tiểu thuyết có nhan đề ngắn nhất là: “Phất” (Bùi Huy Phồn), “Thúy” (Hà Khánh Linh), “Nắng” (Nguyễn Thế Phương).
Nhân vật duy nhất được chuyển thể thành phim thời chiến tranh là chị Tư Hậu (“Một chuyện chép ở bệnh viện” – Bùi Đức Ái). Bộ phim “Chị Tư Hậu” từng gây tiếng vang tại Liên hoan phim quốc tế Moskva 1963.
Nhân vật tiểu thuyết được nước ngoài biết đến nhiều nhất là anh hùng Núp (“Đất nước đứng lên” – Nguyên Ngọc). Quốc gia mến mộ anh hùng Núp nhiều nhất là Cuba.
Nhân vật có ngoại hình đẹp nhất là Pả Sua trong tiểu thuyết cùng tên của Văn Linh. Tác giả đã giành nhiều công sức để khắc họa vẻ đẹp toàn diện của cô du kích người Lào này. Cô được ví như “tiên nữ ở trên trời xuống”, “một bức vẽ lộng lẫy”, “con người trong huyền thoại”, “là vua Mẹo hiện sinh, sắc đẹp của cô tưởng như nước này chỉ có một, như thần trăng, thần sao xuống trần”… Cô xứng đáng là Hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975. Còn vương miện Á hậu có thể dành cho chị Sứ (Hòn Đất).
Nhân vật chính duy nhất phải khoác áo ma quỷ là nữ du kích Trần Thị Tâm (“Dưới đám mây màu cánh vạc” – Thu Bồn). Quần áo như tấm giẻ rách và mái tóc vàng cháy, đầy chấy rận. Ban ngày chị sống dưới lòng đất, ban đêm trồi lên thoắt ẩn thoắt hiện. Nhiều người tin đó là hồn bóng của “con quỷ tóc vàng”.
Nhân vật chính bị chết một cách tức tưởi nhất là cô Tý trong “Nhãn đầu mùa” (Xuân Tùng, Trần Thanh). Tình yêu cao đẹp của Tuấn và Tý được nảy nở và thử thách trong chiến đấu. Đội du kích Hoàng Ngân đã chuẩn bị đám cưới của họ rất chu đáo. Nhưng sáng ngày diễn ra đám cưới thì giặc kéo vào làng. Tý vẫn tự nguyện ra trận và bị trúng đạn chết. Ngày vui nhất của cuộc đời biến thành ngày bi thảm nhất của cuộc đời.
Nhân vật chính “ngang bướng“ nhất là lão Am (“Cái sân gạch” – Đào Vũ). Mặc dù được mọi người thuyết phục rất nhiều nhưng lão vẫn không chịu vào hợp tác xã. Bị bao vây cô lập khắp nơi nhưng “người hùng làng Cầu Quay” vẫn kiên quyết theo con đường làm ăn cá thể. Cuối cùng, do “nể lời cán bộ tỉnh” nên lão phải vào hợp tác nhưng đầu óc tư hữu vẫn còn.
Nhân vật phản diện được miêu tả sinh động nhất là thằng Xăm (“Hòn Đất” – Anh Đức). Tiếp theo là nhân vật Tư Cầu Muối (Trên mảnh đất này – Hoàng Văn Bổn), cảnh sát Tư Hiền (“Thôn ven đường” – Xuân Thiều), các tù binh Mỹ Tôm, Xam (“Trại S.T 18” – Phan Tứ)…
Nhân vật có chức vụ cao nhất: Trong “Người người lớp lớp” (Trần Dần) và “Cao điểm cuối cùng” (Hữu Mai) có nhân vật “đại tướng” (Võ Nguyên Giáp). Phe địch có tướng Đờ Cát. Trong “Thung lũng Cô Tan” (Lê Phương) có nhân vật tổng thống Mỹ Giôn – xơn, tướng Giôn – đao (Tư lệnh tập đoàn cố vấn đặc biệt phủ tổng thống Mỹ). Trong tiểu thuyết “Sao Mai” (Dũng Hà) có tướng Hốp – kin, các tướng lĩnh Sài Gòn như trung tướng Hoàng Hữu Danh, tham mưu trưởng Đỗ Văn Xuân.
Tiểu thuyết miêu tả cảnh chết chóc của binh lính nhiều nhất là “Cao điểm cuối cùng” (Hữu Mai). Tác giả đã mạnh dạn lột tả sự hy sinh vô bờ bến của bộ đội khi đánh vào đồi A1. Qua đó ngợi ca nhân dân anh hùng đã làm nên trận Điện Biên chấn động địa cầu.
Tiểu thuyết chứa đựng nhiều xung đột nhất là “Bão biển” (Chu Văn). Có thể nói đây là một đại dương xung đột, chứa đựng tất cả các loại hình xung đột khác nhau được đan cài hợp lý làm lôi cuốn người đọc suốt hai tập sách.
Tiểu thuyết mang đậm yếu tố bi kịch nhất là Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng. Tác giả khai thác hàng loạt những xung đột không lối thoát trong nội bộ tôn giáo, cách mạng, xóm làng, gia đình, tình yêu…
Tiểu thuyết mang đậm màu sắc võ hiệp cổ điển nhất là “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ” (Tô Hoài). Tác phẩm có không khí rùng rợn, chi tiết ly kỳ, màu sắc cổ kính như “Thủy Hử”.
Tiểu thuyết sử dụng đậm đặc nhất bút pháp hiện thực kỳ ảo là “Dưới đám mây màu cánh vạc” (Thu Bồn). Mặc dù miêu tả cuộc chiến thời chống Mỹ nhưng tác giả đã phủ lên một màu sắc huyền thoại, hư hư thực thực. Tiếp theo là “Đất nước đứng lên”.
Tiểu thuyết có giọng điệu hào hùng sôi động nhất là “Người người lớp lớp” của Trần Dần. Tác giả đã sử dụng nhiều hình thức điệp đoạn, câu, từ… nhịp điệu nhanh mạnh, sử dụng dày đặc các động từ chỉ hành động. Đây là tác phẩm có sử dụng nhiều từ “đi” nhất, tổng cộng có khoảng 756 từ, cứ trung bình mỗi trang có 3 từ “đi”, có những trang có tới 10 từ “đi”.
Tiểu thuyết có nhiều tiếng cười nhất là “Dấu chân người lính” (Nguyễn Minh Châu). Có thể nói đây là một rừng cười, chủ yếu là tiếng cười lạc quan yêu đời của các chàng lính trẻ.
Tiểu thuyết miêu tả nhiều loại binh chủng nhất là “Dấu chân người lính” ( Nguyễn Minh Châu). Gồm có: bộ binh, pháo binh, công binh (thanh niên xung phong), hóa học, vận tải, hậu cần – cấp dưỡng, quân y, văn công, thông tin, trinh sát, cảnh vệ, du kích, dân công… Phía địch có thêm: không quân, tăng thiết giáp, biệt kích, lính dù, lính thủy đánh bộ, tâm lý chiến… Những tác phẩm ở vị trí tiếp theo là Cao điểm cuối cùng, Chiến sĩ…
Tiểu thuyết có không gian sự kiện ở xa nhất là “Thung lũng Cô Tan” (Lê Phương), có đoạn miêu tả hoạt động ở tòa Bạch ốc (Mỹ).
Tiểu thuyết có không – thời gian bối cảnh thu hẹp nhất là Hòn Đất. Câu chuyện diễn ra chủ yếu trong hang Hòn và một làng nhỏ phụ cận, thời gian chỉ có 10 ngày.
Địa danh được lấy làm đối tượng miêu tả nhiều nhất là Hà Nội. Tiểu thuyết miêu tả sinh động nhất về Hà Nội trong chiến tranh là “Sống mãi với thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng). Cũng tương đương với Hà Nội, có khoảng 20 tiểu thuyết lấy Quảng Trị làm bối cảnh chính vì đây là tuyến lửa ác liệt nhất của cả nước.
Tiểu thuyết cách mạng duy nhất viết về thành phố Sài Gòn thời 1954 – 1975 là “Áo trắng” của Nguyễn Văn Bổng. Tác phẩm miêu tả phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên đô thị.
Những tiểu thuyết có nhiều nét giống nhau nhất là: Người người lớp lớp (Trần Dần – 1954) và Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai – 1961); Một chuyện chép ở bệnh viện (Bùi Đức Ái – 1959) và Hoa hướng dương (Đoàn Giỏi – 1960); Cái sân gạch (Đào Vũ – 1959) và Hòn đá cõi (Thạch Giản, Đức Ánh – 1962); Xung đột (Nguyễn Khải – 1961) và Bão biển (Chu Văn – 1969). Tất nhiên, bên cạnh một số nét giống nhau về kiểu cốt truyện, cách trình bày, mỗi tác phẩm có những sáng tạo riêng độc đáo.
Vậy, tiểu thuyết nào hay nhất trong văn học Việt Nam 1945 – 1975 ? Xin dành cho bạn đọc và thời gian trả lời.