Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân, chúng tôi cho tái bản tập ký sự Nhà lao Cây Dừa, cuốn sách nói lên truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của chiến sĩ các lực lượng vũ trang ta trong một nhà tù dưới chế độ Mỹ ngụy thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhà lao Cây Dừa là một trong những trại giam qui mô đã có từ thời thực dân Pháp đến thời Mỹ ngụy. Từ những năm đầu khi bọn tay sai Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, chúng gạn lọc, chuyển tù chính trị ra Côn Đảo hoặc về các nhà tù trong đất liền, tại đây chỉ dành riêng cho tù binh chiến tranh khắp các miền của đất nước dồn về, có lúc con số lên đến 40.000 người.
Với ý đồ cách ly mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, chúng đặt địa điểm nhà lao nằm sát mũi đất phía nam của huyện đảo Phú Quốc. Chính sách nhà tù ở đây có phần khắc nghiệt hơn mọi nơi. Bọn giặc dùng mọi trò mua chuộc, phân hóa, đàn áp, hành hạ, đánh đập dã man không thiếu một thủ đoạn nào; bởi đây là những người lính, những con người đã từng đối mặt trên các chiến trường làm cho chúng liên tiếp hứng lấy những cơn sấm sét phủ đầu, từng chiến thắng các chiến lược về mặt quân sự của chúng. Chúng lo sợ và căm uất triền miên, có dịp, chúng thẳng tay trả thù bằng mọi kiểu cách tàn bạo, đê tiện nhất. Vì vậy mà những tù nhân ở đây luôn luôn phải gánh chịu mọi cực hình man rợ mỗi khi chúng bị thua trên các chiến trường bên ngoài. Chúng thua càng đậm thì đổ đòn khủng bố trả thù càng nặng vào anh em tù nhân ở nhà lao Cây Dừa. Tuy nhiên, với ý chí bất khuất, hiên ngang, dũng cảm và thông minh, anh em tù nhân đã đối phó lại chúng bằng mọi cách để tiếp tục giành chiến thắng. Đấu tranh cá nhân, đấu tranh có tổ chức lãnh đạo từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, giáo dục tranh thủ, phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn để tổ chức vượt ngục, tiếp tục chiến đấu ở đảo hoặc trở về đất liền…
Nhà lao Cây Dừa là nơi quân thù tập trung nhiều nhất những tên khát máu tàn bạo, thâm hiểm và hèn hạ. Chúng có nhiều kinh nghiệm khủng bố tù nhân, nhiều thủ đoạn tra tấn, hành hạ con người. Biết rằng về tinh thần, về ý chí không thể nào khuất phục nổi tù binh, nên chúng tìm mọi cách kìm kẹp khắc nghiệt nhất, bày mọi trò hình phạt dã man nhất để làm chết dần chết mòn và họa chăng moi ra được một vài sơ hở yếu đuối của một số người để chúng lấy đó làm thành quả thắng lợi.
Nhà lao Cây Dừa là nơi tập trung điển hình về tội ác của chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam Việt Nam. Ở đây, kẻ thù tự do đặt ra nhiều kiểu hành hạ con người một cách tối dã man vào tinh thần, vào thể xác tù nhân tưởng chùng như loài người chưa nghe thấy trên hành tinh này. “Nhất nhật lao tù thiên thu tại ngoại”, bởi vậy ở đây cũng là nơi trui rèn, ung đúc và sản sinh những tấm gương, nhiều con người cực kỳ dũng cảm và thông minh mà sự thật đến bàng hoàng như huyền thoại!
Ở đây, ta thấy “lửa càng đổ, tuổi vàng càng cao”, đó là sự nổi bật khí tiết cực kỳ dũng cảm và trung thành của người chiến sỹ cách mạng. Tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tính chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật cao xoay chung quanh sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng được thể hiện rõ nét nhất cũng tại nơi đây.
Qua ngòi bút dẫn chuyện của nhà văn Chu Lai, chúng ta sẽ hình dung được cái tổng thể của nhà lao Cây Dừa, chúng ta trông thấy được hình ảnh những bộ mặt điển hình thâm độc, tàn bạo và man rợ của những tên tay sai của đế quốc Mỹl và những tâm hồn, ý chí đầy khí phách hiên ngang, đầy thông minh can đảm của những chiến sỹ cách mạng trung thành, kiên trì đấu tranh trên chiến trường và khi đã sa cơ bị cầm giam, tù đày; sự đấu tranh với ý chí sắt đá vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp.
Nhiều con người trong một trại giam, nhiều trại giam trong một nhà lao và một nhà lao trong một vùng đất đảo bị cô lập với đất liền. Anh em trong nhà lao chiến đấu kiên cường, vượt rào, trốn trại đều có phần tác động, hỗ trợ tích cực của Đảng, quân và dân Phú Quốc. Ngược lại, Đảng, quân và dân Phú Quốc mỗi ngày phong trào cách mạng lớn mạnh, lực lượng vũ trang và các cơ quan, đoàn thể được bổ sung phải nói là có không nhỏ sự cống hiến, hy sinh của anh em tù nhân vượt trại từ nhà lao Cây Dừa. Những nhân chứng sống của Phú Quốc, của nhà lao Cây Dừa còn đó! Trải qua bao nhiêu năm, nhưng những vết đau thương còn âm thầm hay những đóm sáng chói rực trong ký ức của mỗi người vẫn còn đậm nét, với ngòi bút thông mình, với nghệ thuật ghi chép hấp dẫn, nhà văn Chu Lai dắt chúng ta đi mãi trong những hoàn cảnh, sự việc, những tâm tư con người có dính dáng mặt này mặt khác chung quanh nhà lao Cây Dừa một cách có hệ thống. Và chúng ta cũng thấy được đây là một điểm chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, dũng cảm điển hình của dân tộc Việt Nam bất khuất.
Đây là một cuốn sách ký sự lịch sử. Câu chuyện có thật, địa danh có thật, con người có thật và thời gian có thật, tuy cốt truyện được sắp xếp theo trình tự văn chương nhưng chuyện hoàn toàn không hư cấu. Chúng ta còn có những nhân chứng đang hiện diện và đáng tin cậy.
Mặc dù vậy, nhưng với một bối cảnh mênh mông, với nhiều nhân vật đang sống rải rác trên khắp miền đất nước, dĩ nhiên sự ghi chép của tác giả, sự đối chiếu, xác minh, điều chỉnh, bổ sung của chúng tôi vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Mong bạn đọc gần xa thông cảm, phát hiện hiện thêm, chân tình góp ý, chúng tôi xin thành thật biết ơn.