Xưa nay, dường như cứ thấy ai may mắn, người ta lại tặc lưỡi, buông một câu cửa miệng: Cái thằng có số sướng như vua! Làm cứ như vua chúa ngày xưa sướng lắm.
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận. Làm vua cho ra vua cũng khốn nạn vô cùng. Đấy, cứ như ngài Ung Chính đấy, nào có sướng gì đâu. Để có được một cuộc cải cách mang lại sự hưng thịnh cho quốc gia, ngài cũng phải dằn vặt cũng bổ sấp bổ ngửa, chẳng khác gì thằng giời đày. Dân đen cũng chẳng đến nỗi khốn khổ như vậy. Nói thế, xem ra toàn là chuyện xa lạ. Hãy cứ nhìn ông bạn tôi kia. Ông không phải vua, cũng chẳng phải chúa. Mới chỉ là chủ tịch huyện. Thế mà xem ra cũng lắm nỗi gian truân, cũng nhiều đêm phải dằn vặt mất ngủ. Có khi sự rắc rối lại bắt đầu ngay từ cái sở thích có từ thời cha sinh mẹ đẻ của mình.
Số là bạn tôi rất mê bóng đá. Điều ấy thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Vì toàn dân mình đều mê bóng đá cả đấy thôi. Có anh cá cược đến mất cửa mất nhà. Có cậu phởn chí, rú xe máy đến toi cả tính mạng. Hoá ra dân mình còn cuồng si hơn cả dân Braxin. Ông chủ tịch huyện bạn tôi cũng vậy thôi. Nói chuyện gì rồi cuối cùng cũng lại quay về bóng đá. Ông bảo:
– Thời chiến tranh gian khổ là thế mà mình còn cho Pháp và Mỹ xơi những cú sút thủng lưới. Bây giờ hoà bình rồi, đổi mới chiến thuật rồi, chả lẽ mình lại để cái đói, cái nghèo cho xơi bàn trắng sao. Phải tích cực làm bàn. Phải biến những ý tưởng tốt đẹp của ta thành những bàn thắng vang dội
Cứ thế, nhiều khi ông dùng toàn ngôn ngữ sân cỏ triển khai công tác hoặc phổ biến nghị quyết của huyện. Ai đi qua cũng tưởng có cuộc tường thuật bóng đá trên đài. Đến thăm Trường trung học đào tạo các cô nuôi dạy trẻ đóng trên địa bàn huyện, ông cứ đứng ngắm mãi cái bãi đá hoang ở sau trường. Rồi ông lẩm bẩm:
– Tuyệt! Chỗ này mà làm được cái sân bóng đá thì thật tuyệt vời!
Đám trợ lý gật gù tán thưởng. Nhiều người còn tỏ ra bái phục ông chủ tịch có con mắt không giống mọi người. Không hiểu sao, ông lại nhìn bãi đá ong nham nhở thành cái sân bóng đá. Thế rồi hơn ba tháng sau, ông chủ tịch huyện đột ngột nhận được giấy mời của Trường trung học nuôi dạy trẻ: Theo chỉ thị của anh, trường Trung học mẫu giáo đã xây dựng xong sân bóng. Xin trân trọng kính mời anh về cắt băng khánh thành công trình.
Quái, sao lại có chuyện kỳ cục thế nhỉ? Ông chủ tịch ngớ ra. Mình chỉ thị làm sân bóng bao giờ? Rồi ông mang máng nhớ hình như có lần, mình bông lơn một câu gì đó. Nói rồi quên. Thì ai mà lẩn mẩn nhớ hết được những câu nói bâng quơ, những lời tán nhăng tán cuội dọc đường của mình. Vậy mà cấp dưới ông lại nhớ. Ngay sau khi ông đi, kế hoạch xây dựng sân bóng đá đã được triển khai. Nhiều người băn khoăn ngờ vực: Tại sao lại xây sân bóng ở cái xó xỉnh hẻo lánh này nhỉ? Xây cho ai đá? Chả lẽ lại mấy cô nuôi dạy trẻ liễu yếu đào tơ? Mà rồi đá cho ai xem? Móc đâu ra khán giả ở cái xó xỉnh heo hút này? Thật vô lý, khó tin. Thì đã sao? Trên đời này còn có khối điều vô lý khó tin hơn mà vẫn cứ ngang nhiên diễn ra trước mắt đó thôi. Thế là mặc lời ong tiếng ve, cái sân bóng vẫn cứ được triển khai cấp tốc. Phải hoàn thành trước kế hoạch. Mưa bão cũng làm. Đêm cũng đốt đuốc làm. Có anh cụt cả hai chân vì nổ mìn phá đá. Chủ tịch huyện buồn lắm. Nỗi buồn chẳng biết ngỏ cùng ai, ông đành trút sang đám bạn bè cùng học. Ông bạn cựu chiến binh thở dài:
– Lỗi tại cậu thôi!
– Tại sao lại tại tôi? Tôi chỉ thị bao giờ? Chỉ thị đâu? Văn bản đâu nào?
– ở nước mình sợ nhất là những chỉ thị không có văn bản. Cậu quên mất rằng cậu là chủ tịch huyện, người đứng đầu của cả một vùng. Như thế thì cậu đâu còn là cậu nữa. Cậu khen thằng nào thì thằng ấy có thể được nâng lương được lên chức. Cậu chê ai thì người đó có thể bị mất việc, ra đứng đường. Ngay cả lời nói đùa của cậu, người ta cũng nghĩ là chỉ thị. Đó là chưa kể những cán bộ cấp dưới có thằng cứ hong hóng đón ý cậu, chiều theo ý cậu để lấy lòng cấp trên. Thế là lại khổ dân…