Cuộc phiêu lưu của hai chú kiến này đã được mở ra từ năm 1961, tác phẩm dang dở giữa chừng khi nhà văn đi bộ đội. Đến 16 năm sau, tác phẩm lại được viết thêm một phần nữa. Số phận của Ngàn dặm xa cứ long đong theo những thăng trầm của cuộc chiến tranh và những lo toan khác của cuộc sống thời bình. Mãi đến bây giờ tác phẩm này mới được in thành sách và ra mắt các độc giả nhí. Ngàn dặm xa là cả một quá trình giữ gìn và yêu thương của nhà văn dành cho những ký ức tuổi thơ.
Đọc Ngàn dặm xa, như được gieo mình vào thế giới của những suy nghĩ tuổi thơ trong trẻo; được trở về với cảm giác tinh khôi khi cùng hai chú kiến phiêu bạt từ cái tổ trên gò nhỏ hẹp, ra đến bờ suối rồi cả dòng sông; đối mặt với những nguy hiểm chập chùng. Cái thiện và cái ác luôn song hành trên mỗi chặng đường phiêu bạt của Kiến Lửa và Kiến Nâu. Cũng giống như bè bạn tốt, kẻ thù luôn rình rập trên mỗi bước đi trong những chặng hành trình. Điều thú vị của tác phẩm là người viết đã chọn những hình ảnh thật quen thuộc, gần gũi để tạo nên những tình huống thật bất ngờ và rất đáng yêu.
Ngàn dặm xa luôn khiến người đọc bật cười vì sự ngây ngô, hài hước khởi nguồn từ đặc tính của mỗi loài vật được kể trong tác phẩm. Nhưng trong hành trình của Kiến Nâu và Kiến Lửa, luôn đan lồng những bài học giáo dục đầy ý nghĩa. Đó là tình yêu thương, sống chân thực, dám đấu tranh, biết hy sinh, trung nghĩa, đoàn kết và không bao giờ tuyệt vọng. Loài vật dạy cho nhau cách sống, phấn đấu và hướng thiện. Cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính cũng là một trải nghiệm cần thiết để hai chú kiến nhỏ trưởng thành, biết đối mặt với thế giới mênh mông nhiều cạm bẫy nhưng cũng đầy bao dung ở bên ngoài.