Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn – được viết ra nhằm chia sẻ với người đọc giữa đời về niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước những biến động, đổi thay của thời buổi kinh tế thị trường – được Ma Văn Kháng hoàn thành vào năm 1985. Tác phẩm được xét tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Tác phẩm gồm 20 chương. Đoạn trích được chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 12 là một đoạn dẫn từ phần 4, chương II của tác phẩm.
Bằng một giọng kể ấm áp và cảm động, khi thì qua trật tự tuyến tính dẫn dắt, khi thì qua ngôn ngữ đối thoại, khi thì để cho sự việc phơi trải giữa thời gian hiện tại, khi thì để sự tình xa xôi sau một bức màn hồi ức, tác giả đã đưa người đọc trở về với một buổi chiều cuối năm đầy bình yên và trầm hương. Trong buổi chiều cuối năm đầy thiêng liêng mang tính truyền thống đó, người đọc nhận ra những nét đẹp rất phương đông, rất Việt Nam của ngày Tết cổ truyền: sự đoàn tụ, lễ cúng gia tiên và bữa cơm tất niên, những lời ước nguyện…
Có thể tiếp cận với không gian và thời gian đầy hương Tết của đoạn trích được dẫn ở ba toạ độ nghệ thuật sau:
Thứ nhất, chị Hoài và sự trở về trong buổi chiều ba mươi Tết.
Chị Hoài – người vợ của một liệt sĩ. Chấp nhận sự vô thường, chị tái giá, nhưng vẫn giữ sự hằng thường: sự trong sáng thuỷ chung với gia đình nhà chồng (gia đình ông Bằng). Hết mùa lá rụng năm ấy, chị như chiếc lá tìm về cội nguồn, trở về thăm lại gia đình cũ đúng thời khắc buổi chiều tất niên. Chị Hoài (mà cái tên như ngầm gợi lên một cái gì ổn định, hằng thường, thuỷ chung) hiện lên trong tác phẩm và đoạn trích trong một lát cắt bất ngờ của đời sống, cũng là trong chặng cuối cuộc hành trình của một năm tàn tháng tận. Chị đem đến cho khu vườn của nhà chồng một tiết tấu bình yên – như bù lại cho những gì mà thế giới yên tĩnh ấy đã, đang và sẽ vừa bị tước đoạt vừa được bồi đắp mới để thích nghi trước một nhịp điệu gấp gáp của đời sống thị trường. Lời nhắn gọn gắn mà mênh mang biết bao, ít chữ mà nhiều nghĩa biết bao ở chương XX – chương cuối cùng của truyện – của chị Hoài sau một mùa lá rụng nữa như hoàn chỉnh thêm diện mạo tâm hồn của một người vợ liệt sĩ đã thanh thản chọn cho mình cách sống vì mọi người (trước hết là mọi người trong gia đình dù đó chỉ là một gia đình đã xưa cũ với chị mà chị hoàn toàn có quyền không phải chia sẻ trách nhiệm nữa): “Bao giờ cậu Cần cưới vợ, cô Phượng ở cữ, cô Lí về, nhớ điện cho tôi lên”.
Phố chạy tới đây có vẻ như là đã đuối sức. Nhà thưa thớt dần và mặc dầu mặt đường vẫn giữ nguyên vẻ đường bệ của một trục đường chính trong thành phố, nhưng tới đây hai bên hè cũng chỉ còn lác đác dăm ba cái biệt thự nho nhỏ, xinh xắn, kiến trúc kiểu châu Âu cuối thế kỉ trước, mái nhọn, nhiều ngóc ngách, góc cạnh, có vườn cây bao bọc. Những năm gần đây, thành phố phát triển về phía Tây và kéo dân cư về phía đó. Đoạn phố này, bên lẻ đánh số từ Một, bên chẵn đánh số từ Hai hoá thành cái đuôi của một đường phố lớn.
Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường. Ở đây có thể nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két trên đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm ngọn gió đùa. Mùa đông cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất.
Căn nhà yên ắng nhất ở đoạn phố này là căn nhà số Một đứng ở đầu phố. Đó là một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Căn nhà không còn toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cách đây chục năm, nay nó chỉ còn có căn gác và tầng trệt ở phía mặt tiền nhìn ra đường phố. Căn nhà yên lặng gần như suốt ngày, gần như quanh năm, hoà hợp với môi trường sống vì trú ngụ ở đây chỉ có ba bốn người, mà toàn là người lớn cả. Căn nhà chỉ mất đi sự yên ả cố hữu vào quãng năm giờ chiều. Lúc ấy có một người phụ nữ đạp xe đạp về, đeo lỉnh kỉnh những là gạo, mì, rau cỏ, ở sau xe, ở tay lái; chị gọi cổng, ầm ĩ và vui vẻ; lúc ấy mới thấy có hơi người, có sự sống động ở nơi này.
Nhưng cũng chỉ lúc ấy thôi, còn thì lặng yên, lặng yên hoàn toàn. Như bây giờ, đang cữ đông rét mướt, lại là những ngày giáp Tết Nguyên đán; ở đây, trong tĩnh mịch, nghe tiếng pháo lẻ tẻ từ trung tâm thành phố vẳng về, dửng dưng, không tư duy, không cảm xúc. Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thoả, ngay ngắn, trật tự, không còn phải lo toan, sắp xếp hoặc bàn bạc, cũng chẳng phải tính toán, nghĩ suy, hoặc đề phòng một tai biến nào đó có thể bất thình lình xảy ra…