Mùa hè năm Petrus là câu chuyện về trường lớp, thầy cô, bạn bè và những mối quan hệ của nhóm bạn học sinh lớp cuối trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở ngày nay) ở một ngôi trường toàn nam sinh vào giữa cuối thập niên 60 thế kỷ trước ở Sài Gòn.
Ở đây ta sẽ gặp những chàng tuổi trẻ một thời học trung học qua những hoạt động hiệu đoàn như báo chí, văn nghệ, thể thao và nhiều hoạt động giao lưu, vui chơi trong và ngoài nhà trường khác. Tất cả tạo nên hình ảnh một môi trường giáo dục mà từ đó người học sinh được tạo điều kiện để trở thành những công dân hữu ích cho tương lai.
Mùa hè năm Petrus là câu chuyện để người lớn tuổi nhớ lại, người trung tuổi hiểu thêm và người trẻ tuổi ngưỡng vọng về một thời trung học hầu như ai cũng trải qua.
”
Mùa xuân làm người ta lớn. Mùa xuân người ta sẽ được mừng thêm một tuổi. Mùa hè chỉ có chia tay. Nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà không cần mùa xuân đến. Không cần được mừng tuổi.
Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký!
Thi xong đệ nhất lục cá nguyệt[1], tụi học sinh lớp tứ 7 thở phào, coi như cái ải đầu tiên trong năm học này đã qua. Đứa nào cũng vui vì không đứa nào bị điểm dưới trung bình. Nhớ lại ngày nhập trường dường như chỉ mới đâu đây thôi. Nhìn lại những khuôn mặt lấm tấm những mụn trứng cá, có thằng bắt đầu đã có râu mép lún phún như tấm gương soi để thấy mình đã lớn. Nhập trường với tập vở mới, quần áo mới, thầy cô mới và ngay cả phòng học cũng mới. Quan trọng hơn, không thằng nào nói ra điều tự hào bí mật: Nhập trường nghĩa là chúng đã lên được một lớp. Tụi nó đã lớn hơn năm ngoái. Lớp đệ tứ là lớp cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp[2]. Lớp đàn anh của những lớp buổi chiều của trường Petrus Ký. Tụi nó thấy mình quan trọng hơn, chững chạc hơn bọn nhóc đệ thất, đệ lục, đệ ngũ – ba lớp mà tụi nó đã trải qua với những ngô nghê nhìn bọn đàn anh đệ tứ với những ước mơ người lớn. Tụi nó có thể đi nghênh ngang vào trường, nhìn những thằng lớp dưới bằng đôi mắt đàn anh. Lớp đàn anh không sợ ai hết ngoài các thầy giám thị và giáo sư.[3]
Ba tháng đã trôi qua nhanh cái vèo với những môn kim văn, cổ văn, toán, lý hóa, sử địa… những môn học mà thầy Minh – giáo sư hướng dẫn của lớp đã nói “…căn bản cho lớp đệ nhị. Nếu các em nào chăm, học thật kỹ thì lên năm đệ nhị các em vừa học vừa chơi cũng đậu Tú tài 1 như giỡn. Nhưng các em nào chơi mà không học thì coi chừng vào quân trường mà chơi.” Thằng Cường mông – thằng học sinh Bắc kỳ duy nhất trong lớp, chuyên mặc áo Mongtagut[4] đi học bạo phổi dám nói leo với thầy “nhưng làm sao để lên được đệ tam hả thầy?”. “Do các em thôi. Chỉ cần học những gì các thầy cô dạy em trong lớp là các em dư sức lên đệ tam”. Tụi nó phải ráng học vì các giáo sư năm đệ tứ kiểm tra bài rất chặt. Đứa nào không thuộc bài là bị cấm túc chép phạt bài mình đã không học.
Những sinh hoạt thường niên trong đầu năm học cũng trôi qua thật nhanh. Bầu cử trưởng lớp, trưởng ban văn nghệ, báo chí, xã hội… để lo cho những hoạt động trong lớp và của trường. Năm rồi thằng Hòe được mấy đứa trong lớp bầu làm trưởng lớp vì nó học giỏi lại hiền lành như con gái, đứa nào cũng có thể ăn hiếp được. Bởi vậy khi bắt đầu cuộc bầu trưởng lớp dưới sự điều khiển của giáo sư hướng dẫn, thằng Lý đen, vốn chuyên cọp dê môn Anh văn của thằng Hòe, đã giới thiệu thằng này ra ứng cử chức trưởng lớp như năm ngoái. Thằng Thạch giơ tay, đứng dậy nói:
“Thưa thầy, thưa các bạn, tui xin được giới thiệu bạn Tuấn lược ứng cử lớp trưởng vì tui thấy thằng… ủa… anh Hòe, học thì giỏi, hiền nhưng anh Hòe chỉ có học thôi chứ năm qua không làm được gì cho lớp trong sinh hoạt.”