Xin giới thiệu tiểu thuyết Mùa gió chướng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một trong các tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
Bữa ăn tối của ba người ở ba vị trí khác nhau, theo Trần Hoài Sơn là một bữa ăn lý thú không kịp xảy ra, và bài hát mà hắn đang hát để ru con chưa dứt thì tổ phòng vệ dân sự của Mười đã bước vào sân. Theo sau tổ phòng vệ dân sự là cô gái trong dáng dấp Út Sương, chiếc khăn rằn che kín mặt. Mười với chiếc áo bà ba nin phờ răng trắng viền đăng ten, súng khoác vai. Sườn với Bổn đi hai bên, dưới ánh trăng non, cô đi thẳng đến cầu thang.
– Ai như cô Mười vậy? – Một tên lính hỏi, giọng lẳng lơ.
– Trời sáng trăng vầy mà không nhận ra sao? – Giọng của cô gái đáp lại vừa nhão vừa kéo dài.
Tổ phòng vệ dân sự bước dần tới, và phía sau, dưới sàn nhà, tổ du kích của Châu có Lâm với Dũng tràn tới.
Nghe có tiếng ịch đụi dưới cầu thang. Long dừng tiếng hát, hỏi vọng xuống:
– Cái gì đó?
Dưới sàn nhà, không có tiếng trả lời. Nhưng có linh cảm, hắn quay mắt vào trong, muốn trao con lại cho vợ, không tìm thấy vợ, hắn nhìn dáo dác! Vừa lúc đó, Sáu Linh trong dáng dấp của Út Sương, áo bà ba màu hột é, chiếc khăn rằn choàng kín mặt, vượt lên cầu thang.
– Cô Út đi đâu đó? – Hắn hỏi với giọng bực bội không bình tĩnh.
Cô Út mà hắn hỏi, tràn tới như một ngọn gió! Cô đứng trước mặt hắn, đưa tay kéo chiếc khăn trợt xuống ót. Mặt đối mặt với kẻ thù. Chợt nhìn thấy họng súng chĩa về phía mình, hắn “a” lên một tiếng, miệng há hốc!
– Đứng im!
Không thể hiểu nổi giây phút đó, hắn nghĩ gì. Chỉ thấy hắn ôm đứa con sát vào người, khiến đứa bé giật mình, thét lên. Có lẽ tiếng thét của đứa con càng khiến cho con hắn thêm bối rối.
– Long! Đêm nay là đêm đền tội của mày! – Lòng căm thù của dân làng dồn nén trong giọng nói của Sáu. Tôi tưởng họng súng trong tay Sáu sẽ nổ, và tên ác ôn sẽ gục xuống mà tay vẫn còn ôm con. Nhưng việc lại xảy ra khác với ý nghĩ của tôi.
Cùng trong lúc ấy, tổ du kích của Mười từ dưới cầu thang tràn lên. Mười, Sườn với Bổn, ba họng súng dài như ba ngọn gươm đưa sát vào người hắn. Có lẽ, đến lúc đó, hắn mới hiểu ra. Ánh sáng của ngọn đèn nê ông (riêng nhà của hắn mới có) mặt hắn tái nhợt với vẻ sẵn sàng nhận lấy cái chết! Vì đứa con đang bế trên tay, hắn không thể chống trả nhưng cũng không tỏ ra hèn hạ đến run rẩy hay cuống cuồng! Hắn bế con dựng lên, áp mặt con sát vào mặt mình.
– Cô Sáu! – Hắn đã nhận ra ngưòi con gái đang đứng trước mặt mình là Sáu Linh – Tôi hiểu rồi! Cô cho tôi xin một điều. Trị tội, tôi xin cô đưa tôi ra sau vườn. Con tôi đang bịnh. Xin cô đừng nổ súng trước mặt con tôi.
Trước lời van xin ấy, họng súng trong tay Sáu Linh hạ xuống:
– Tao tha chết cho mày, nhưng mày phải chuộc tội.
Đứa bé trên tay hắn giãy giụa, thét to. Hắn ôm con vụng về bối rối, loay hoay.
Mười xuống đạn, khoác súng qua vai, bế lấy đứa bé trên tay hắn. Mười trao đứa bé cho vợ hắn đang đứng chết điếng ở cửa buồng.