Lớp 10. Những thay đổi về môi trường, thầy cô, bạn bè… cùng những biến đổi trong tâm – sinh lý dễ đem lại cho người ta những cảm xúc mới lạ. Đặc biệt, những tình cảm mơ mộng, nhẹ nhàng, thoáng qua… rất học trò ấy cũng làm nên những câu chuyện đáng nhớ, giống như những cơn mưa bóng mây đi qua cửa lớp nhưng còn vương lại mãi.
Linh, Nhạn, Ngân, Uyên, Khanh… – những nhân vật trong câu chuyện “Mưa bóng mây” – đã có những ngày tháng học trò thật không dễ quên…
Trong tập truyện cùng tên này còn có nhiều truyện ngắn khác dành cho lứa tuổi học trò rất thú vị và dễ thương.
16 tuổi, Thuật bắt đầu vỡ giọng. Tiếng của nó tự dưng cứ lúc thì eo éo như người nói không ra hơi, lúc thì ồm ồm như hét vào trong ống tre. Chân tay nó dài ra như là thừa, mà lại chẳng cân đối một chút nào với thân hình, thành ra lúc nào nó cũng cảm thấy lóng nga lóng ngóng, chẳng biết nên giấu bớt vào đâu cho đỡ ngượng ngập. Mà nó thì lúc nào cũng thấy ngượng ngập, thậm chí chuyện mấy bà chị của nó cứ phơi đủ mọi thứ đồ chung riêng trên chiếc sào trong buồng cũng làm nó đỏ cả mặt mỗi khi ánh mắt vô tình chạm phải. Có những buổi chiều, trong người nó xốn xang, thay vì chạy nhảy hò hét với mấy quả banh như từ xưa đến nay nó vẫn làm, thậm chí làm một mình vẫn cứ vui, thì nay nó lại chẳng muốn làm gì. Nghe ai, nó trốn vào đám mía sau nhà ngồi suy nghĩ và thắc mắc về những điều rất ư lạ lẫm của mình. Nói chung là tự nó cũng thấy nó có quá nhiều những biểu hiện kỳ cục mà không biết tâm sự với ai, hỏi ai. Thế nhưng, tất cả những chuyện ấy chưa phải là tai họa với Thuật. Chuyện tai họa lớn nhất là tự dưng năm nay, có một cô bé quá là xinh đẹp, dễ thương chuyển vào lớp nó. Cô bé ấy trước giờ nó biết, học ở ngay lớp bên cạnh nhưng hình như đã mấy năm học mà nó chẳng bao giờ để ý đến cô ấy. Vậy mà bất ngờ, sau một mùa hè, Ngọc – tên cô gái – bỗng lớn như thổi, xinh ra và trở thành một con thiên nga giữa bầy con gái chưa kịp lớn. Tất cả, khiến thằng Thuật trở nên bối rối mỗi khi phải giáp mặt cô gái ấy.
Mà khổ, những lần giáp mặt của Thuật với Ngọc có vui vẻ gì đâu cơ chứ! Đó toàn là những cuộc “la mắng” của Ngọc dành cho một thanh niên chậm tiến, mãi đến lớp 10 mà vẫn chưa đủ tiêu chuẩn vào Đoàn. Nhà trường chuyển Ngọc sang lớp của Thuật để làm bí thư chi đoàn, hầu mong vực dậy phong trào Đoàn quá yếu ở một lớp có tiếng là nhiều học sinh giỏi nhưng cũng nhiều “siêu quậy” nhất trường. Nó nghe nói Ngọc được phân công kèm cặp giúp đỡ nó trở thành đoàn viên, vì nó cũng là đứa vừa học giỏi lại vừa “chậm tiến” nhất trong lớp 10A5 này. Cũng chính vì thế mà Ngọc luôn luôn có cái vẻ “đàn chị” với Thuật, thậm chí còn cố tình xưng chị với Thuật dù Ngọc chỉ hơn Thuật được đúng ba tháng mười ngày. Mà chuyện ấy cũng tại mẹ Thuật nữa. Có lần, Ngọc sang đưa cho Thuật cuốn “Điều lệ Đoàn”, bà giữ Ngọc lại hỏi chuyện. Đến khi biết Ngọc bằng tuổi Thuật, bà chép miệng: “Con gái bằng tuổi chững chạc hơn hẳn con trai. Thôi, có gì con kèm cặp giúp đỡ cho em giùm bác”. Ngọc đầy vẻ đắc chí nhìn sang Thuật. Nó hay gọi Thuật bằng “em” từ ấy. Có lần, Thuật đang ở trần, mình mặc chiếc quần cộc hò hét mấy đứa nhỏ chơi banh thì gặp Ngọc đi ngang. Cô gái nhìn Thuật, ánh mắt đầy nghiêm khắc, chê trách khiến Thuật đứng sựng lại như trời trồng. Nó bối rối cười rồi chạy vụt vào nhà. Kể từ ấy, Thuật chẳng bao giờ dám mặc quần cộc mà bước ra ngoài ngõ nữa. Nó biết trong cái xóm nhỏ tí xíu này, nó có thể gặp cô bí thư chi đoàn bất cứ lúc nào, trong những tình huống vô cùng tế nhị mà nó sẽ phải dằn vặt hết ngày này sang ngày khác.
Mà hình như sau cuộc gặp mặt ấy, những bài giảng và cái giọng đầy trách móc của Ngọc dành cho Thuật lại càng tăng lên về liều lượng, về mức độ nặng nề. Toàn những chuyện cỏn con: “Thuật, bạn xem lại tác phong của mình đã chỉnh tề chưa?” (đó là ám chỉ cái áo nhét chưa hết vào trong quần còn thò ra một góc đằng sau lưng của Thuật). “Thuật, bạn đừng ỷ mình học giỏi mà kiêu căng” (đó là vì Thuật đã dám thắc mắc một câu mà cô giáo Anh văn đành phải khất đến giờ sau sẽ trả lời)… Bọn con trai chơi cùng nhóm với Thuật, thằng Tài, thằng Thiện, thằng Quý dần dần cũng phải nhận ra thái độ xét nét của con nhỏ bí thư chi đoàn với thằng bạn trai vốn được chúng nể và phục đến mức phong cho tước hiệu “quân sư” ấy.
– Sao nó cứ nhè mày mà bắt nạt vậy? Nó ỷ nó là bí thư chi đoàn chắc? Ép người cũng vừa vừa thôi chứ!
Qua thái độ hùng hổ của cả bọn, Thuật bỗng nhận thấy một điều là hình như ngoài nó ra, cái vẻ dễ thương của Ngọc chẳng có tác động đến một ai. Tụi nó nhìn cô gái ấy cũng như mọi cô gái khác. Cái hôm Ngọc lên hát giữa trường nhân ngày 20-11, Ngọc mặc áo dài trắng, tóc xõa mượt hai vai, ánh mắt thì mượt mà trông thật là “liêu trai”, thằng Thuật cứ há mồm ra mà chiêm ngưỡng nhưng chẳng dám phát biểu câu nào. Còn thằng Tài, nó cứ vỗ đùi đen đét khoái chí: “Tuyệt, tuyệt thật. Vừa xinh, vừa hát hay. Lớp mình đứng nhất là cái chắc!”. Đến chừng Ngọc bước xuống, nó hồ hởi nhào đến hét lên: “Tuyệt lắm! Kỳ này lớp mình ẵm giải là cái chắc! Tạm tha cho Ngọc cái tội làm.. bí thư chi đoàn đấy!”. Ngọc cứ ngơ ngác, chẳng kịp hiểu nó nói cái gì…