“Làng quê đang biến mất?” – tập bình luận xã hội của Tạ Duy Anh là tâm huyết của một nhà văn trước những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội, đang tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, được phát tiết qua góc nhìn văn hóa. Trong từng câu chuyện, ta dễ dàng nhận ra những trăn trở của ông đối với những đổi thay của con người, của văn hóa làng xã – những điều mà trước nay đã trở thành chuẩn mực, truyền thống truyền qua bao đời.
Ở đó ta thấy được cả sự luyến tiếc xót xa trước môi trường văn hóa đang ô nhiễm, đang bị hủy hoại trầm trọng, nơi mà những thói hư tật xấu lên ngôi thống trị. Là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, là sự giả dối được đặt nặng hơn sự trung thực, là sự tham lam, ích kỷ chỉ biết vun vén cho cá nhân mình. “Nói một cách dễ hiểu nhất thì chúng ta đang cùng nhau đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất, với một sự vô cảm đáng sợ. Và như vậy cũng sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt.”
Mạng chó, mạng người
Chỉ mất trí thì mới hỏi mạng một con chó – cho dù là chó có giá bằng cả tòa nhà – với mạng một con người thì thứ gì quý hơn. Chỉ cần nghĩ hay hỏi như vậy đã có thể coi là kẻ độc ác, vô đạo đức. Không vật gì trên trần gian có thể so ngang với một con người, về mọi phương diện.
Nhưng hóa ra, điều hiển nhiên bất khả bàn cãi đó cũng vẫn chỉ là trên… lý thuyết! Chí ít thì cũng là trên lý thuyết của khá nhiều người Việt, vốn từ cùng một bọc chui ra nên được gọi là đồng bào.
Do dốt ngoại ngữ mà đến giờ này tôi vẫn không biết trên thế giới có truyền thuyết nào đẹp, độc đáo và cảm động như truyền thuyết về cái bọc trăm trứng. Tôi luôn cho mình quyền tự hào về cái gốc rễ sinh tồn độc nhất, vô nhị đầy nhân văn đó.
Vì thế khi những đồng bào của mình bị chính những đồng bào khác, cũng là của mình, đánh chết thê thảm chỉ vì một vài con chó chả đáng giá bao nhiêu, tôi cảm thấy bị sốc.
Sốc vì những người chết kia có đáng phải chết? Sốc vì mạng một vài con chó quý hơn mạng một vài con người, hóa ra không còn là điều giả định tệ hại, mà có thật, trước bàn dân thiên hạ. Tôi nhớ là mình đã ngồi ôm đầu, không muốn nghĩ về bất cứ điều gì, bởi mọi thứ đều nằm ngoài những khả năng chịu đựng của lý trí thông thường. Nhưng vì là đồng bào của cả người chết và người ra tay sát hại họ, nên tôi không thể cứ né tránh mãi câu hỏi: vì sao cơ sự, lại nên nông nỗi ấy?
Tôi bèn đặt mình vào từng vị trí, đưa ra những phản biện để hy vọng tìm được câu trả lời.
Ở vị trí những người ra tay đánh chết kẻ trộm chó, tôi thấy hành động đó chẳng có gì quá đáng. Con chó không chỉ là con vật trông nom, giữ gìn cho sự an toàn của gia đình tôi, người nó thực sự còn là một tài sản. Cả một bầy con thơ vợ dại cùng nhiều việc trọng đại trông cả vào con chó. Ấy là chưa kể con chó là con vật tình cảm. Nó trung thành với chủ, sao chủ lại nỡ bỏ rơi khi nó gặp hoạn nạn? Liệu làm như vậy có đáng là người trọng tình trọng nghĩa? Vả lại, với cái bọn trộm chó, có đứa nào ra gì về phẩm cách, đạo đức. Rặt một bọn lười chảy thây, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, thậm chí khi cần sẵn sàng xuống tay giết người. Phải có ai ra tay trừ diệt chúng, cứu vớt người bị hại. Phải cho vài đứa chết để răn đe hàng trăm đứa khác vẫn ngông nghênh ngoài vòng pháp luật. Pháp luật không ra tay thì những người bị hại cần phải tự tìm lấy công lý. Đó là lẽ thường tình có gì mà phải ầm ĩ lên. Cũng là công bằng đấy thôi. Mà bọn trộm cắp đó – nếu các vị nhìn thấy sự hung tợn đầy vẻ sát nhân của chúng – thì hơn gì con chó nhà tôi? Tôi đánh chết nó vì một con chó còn hơn nó có thể giết người vì một cái bánh mì! Biết bao vụ bọn trộm chó đánh chết chủ khi bị phát hiện, hẳn mọi người vẫn nhớ. Ai trách thì cứ trách, rằng tôi ác, tôi coi chó hơn người, tôi thích bạo lực với đồng loại của mình… Nhưng liệu cái kẻ bị tôi đánh chết kia và cả những người bênh hắn có trả lời được tôi câu hỏi: ai khiến tên trộm chó kia đang giữa đêm hôm lẻn vào nhà tôi để bắt trộm con chó cơ nghiệp của tôi? Hắn có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn, chẳng may bị chết cũng là đáng số.
Ở vị trí của tên trộm chó, tôi thấy đó là một nghề nguy hiểm nhưng khá béo bở. Tôi chẳng được học hành hay có nghề ngỗng gì, mà nếu có nghề thì cũng còn lâu mới xin được việc. Các loại kỹ sư còn thừa đầy ra kia, đến đâu cũng bị xua đuổi như những của nợ chỉ vì không có tiền lo lót, thớ tôi là cái gì mà mơ?
Nhưng tôi cũng phải sống, cũng thích ăn ngon, mặc đẹp. Ở đời ai chả thích những thứ đó. Thế mà chỉ cần chẹt cổ hoặc câu được vài con chó trong một đêm, là có thể rủng rỉnh tiền bạc cả tuần. Mà nghề trộm chó cũng thú vị lắm. Nó đòi hỏi mạo hiểm – như bốc đầu xe ấy – và phải có chút khả năng ảo thuật. Mỗi con chó bị bắt, bị câu, bị thòng lọng thít cổ… ngoài việc hứa hẹn những món tiền, nó còn như vừa hoàn thành một phi vụ của siêu nhân. Không tin các vị cứ thử xem. Tôi tin rằng trong máu các vị đều có vài giọt mang mầm ăn cắp, chỉ có điều các vị không phải đẩy vào hoàn cảnh lộ diện ra như tôi. Hoặc các vị ăn cắp theo kiểu khác, sang trọng và sạch tay hơn. Còn tôi, phải rình mò, đối mặt với đủ thứ tai nạn, trong đó sợ nhất là cơn xót chó của những gia đình từng bị tôi hỏi thăm. Tôi xác định, nếu chẳng may phải vào tù, hoặc tệ hơn là bị đánh chết, thì cũng tự chịu. Còn hơn là đói khát và bị xua đuổi phải lao động vất vả. Xã hội có biết bao kẻ như tôi mà cứ ăn sung mặc sướng, thử hỏi chúng nó hơn gì tôi về phẩm hạnh?