Trời đã tối hẳn. Mưa bắt đầu rơi. Gió phần phật chạy trên những tán cây loáng nước ven đường. Đèn cao áp nhễ nhại sáng. Lúc chiều chúng tôi dung dăng diễu trên phố, trời vẫn còn nóng hầp hập, vậy mà giờ đây cả thành phố đã nhễ nhại nước. Cũng may bộ tứ chúng tôi đã kịp yên vị trong hàng quẩy nóng trên phố Thái Thịnh. Bếp than quây trong tấm cót ép vẫn rừng rực cháy. Con bé Nấm hối hả căng tấm bạt để che mưa. Mẹ Năm thoăn thoắt thả từng miếng bột vào cái chảo mỡ tí tách sôi trong con mắt thèm thuồng, háu ăn của bốn đứa tôi. Con Oanh lăm lăm cầm đũa, ngó thấy cái quẩy nào vừa kịp vặn mình vàng ươm trong chảo mỡ là gắp luôn, không “thương tiếc”. Mẹ Năm bật cười:
– Tổ cha chúng bay. Lớn nghều lớn ngào thế này mà có khác chi con nít hả.
Chẳng biết từ khi nào chúng tôi đều nhất loại gọi người phụ nữ phúc hậu, có cái giọng Miền Trung nằng nặng ấy là “Mẹ Năm”. Mẹ Năm cũng rành tính của tụi tôi ghê lắm. Con Oanh thì hay chành choẹ này. Con Phương hoa khôi thì điệu đàng này. Con Nhung thì hay kẻ cả đàn chị nhưng luôn biết nhường nhịn. Còn tôi lại hay cả nể.
Đây là quán ruột của chúng tôi trong suốt mấy năm học đại học. Quán quà nghèo cho những đứa sinh viên quanh năm viêm màng túi âu cũng là thú vui không dễ mấy ai có được. Nhất là vào những buổi tối mùa đông căm căm rét, mấy đứa chúng tôi được xì xụp ngồi quanh chảo quẩy nóng, chờ cho những cục bột bé tí xíu trong chớp mắt biến thành những thanh quẩy vàng bóng, giòn tan, làm thoả những cái miệng háu ăn. Thêm một chút nước chấm có vị thơm của tỏi đập dập, vị tê tê cay của tương ớt, và hơi bếp ấm cúng lan toả quanh mình thì thật chẳng có thú vui nào bằng. Chẳng thế mà “lễ kỷ niệm ngày ra trường” đã được cả bốn đứa quyết tâm cao: đến quán quẩy nóng mẹ Năm!
Chúng tôi quý mẹ Năm bởi hoàn cảnh của mẹ. Một nách hai con lưu lạc ra chốn này, mở gánh hàng quẩy để duy trì cuộc sống cho ba mẹ con. Người con trai của mẹ nay đã học nghề sửa xe máy rồi xin vào làm thuê cho một xưởng sửa chữa trên dốc Ngọc Hà, còn cái Nấm – cái con bé gầy nhẳng, ít nói – thì phụ giúp mẹ Năm bán hàng.