Với những ai đã từng đi qua năm tháng đời mình bằng phấn trắng, bảng đen, bằng giáo án và những trăn trở trường lớp thì hình ảnh những cô cậu học trò nhỏ là những nhớ thương khôn nguôi, dù họ chọn cả đời gắn bó với nghề dạy học hay chỉ đến với nghề trong một thời gian ngắn. Mong muốn được cùng lưu giữ những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, từ tháng 10 năm 2014, báo Sinh Viên Việt Nam đã phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam và Vụ Công tác Học sinh – Sinh viên tổ chức cuộc thi viết “Người học trò trong trí nhớ”.
Từ khi bắt đầu, cuộc thi đón nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ trong tuần đầu tiên, đã có hơn một trăm bài dự thi gửi đến, trong đó có những bài rất ấn tượng và xúc động. Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc vào tháng 4 năm 2015, nhưng với yêu cầu của đông đảo độc giả gần xa, ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian nhận bài đến tháng 9 năm 2015. Điều này cho thấy cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm không hề nhỏ.
Cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay, “Ký ức người thầy” , chính là ấn bản đặc biệt, tuyển tập từ những bài dự thi hay nhất. Những câu chuyện trong “Ký ức người thầy” là những mảng màu đa sắc của niềm vui buồn, nỗi day dứt, của giọt nước mắt nuối tiếc hay hạnh phúc trên con đường của những người đang và đã từng bước qua nghề giáo. Tình yêu, kỷ niệm trong những trang viết giản dị mà chân thành ấy vừa là bài ca tri ân người đưa đò vừa là hành trang quý giá cho những học sinh, sinh viên đã, đang và sẽ chọn cho mình nghề cao quý nhất trong các nghề: Nghề Trồng Người.
Những sinh viên để lại ấn tượng đặc biệt cho tôi – PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống –
Tôi xuất thân là một học sinh nghèo ở Huế, nhờ học giỏi mà được học bổng Colombo Plan, du học ở Úc, cuối năm 1965. Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không ở Đại học Sydney, năm 1974 và trở về nước vào mùa hè năm đó, trong thời gian còn chiến tranh. Tôi chọn công việc dạy đại học và nộp đơn xin việc trước khi về nhưng bị từ chối. Sau một thời gian tìm việc ở Sài Gòn, tôi được Giáo sư Đỗ Bá Khê, lúc đó là Viện trưởng Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức nhận vào dạy ở trường Đại học Kỹ thuật mà nay là trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM).
Tôi biết rằng, để đất nước phát triển thì cần phải có nhiều nhà khoa học, nhiều kỹ sư và trong điều kiện đất nước thời ấy, tôi có thể tham gia việc đào tạo lực lượng khoa học – kỹ thuật đó. Tôi nhận thấy, mình có thể nhân rộng sự hiểu biết khoa học – kỹ thuật lên cho nhiều người, để góp phần phát triển công nghiệp và kinh tế của đất nước.
Lớp đầu tiên tôi dạy là sinh viên khóa Công nghệ 17, còn được gọi là lớp Cơ khí 72, vì thế, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với những sinh viên lớp này. Khi trường Đại học Bách khoa mở ngành Kỹ thuật Hàng không, tôi phỏng vấn để tuyển chọn sinh viên các lớp đầu tiên và tôi dạy rất nhiều môn chuyên ngành cho các lớp đó, vì thế, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp với các sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không này.
Trong hàng ngàn sinh viên mà tôi từng dạy, có hai sinh viên để lại nhiều ấn tượng đặc biệt nhất cho tôi là Bùi Thanh Tân (khóa 3) và Trần Duy Hào (khóa 5), ngành Kỹ thuật Hàng không.
Khi tôi dạy môn Động cơ turbine phản lực của máy bay, có một câu hỏi khó mà khi thấy không sinh viên nào trả lời đúng, tôi đặt ra phần thưởng rằng, ai trả lời đúng sẽ được điểm 10 cho môn học này. Trần Duy Hào đã bất ngờ trả lời đúng. Nhưng khi công bố điểm cuối khóa, tôi cộng điểm bài thi và điểm bài tập thường xuyên một cách bình thường như các môn học khác và vì môn Động cơ turbine phản lực rất khó nên không ai được điểm 10 cả. Hào đã nhắc đến phần thưởng đó và tôi mới nhớ để ghi điểm 10 cho Hào. Tuy nhiên, điều mà tôi nhớ nhiều về Hào là vì hoàn cảnh thiếu thốn và bệnh về mắt mà kết quả điểm học tập của Hào bị tụt dần. Tôi đã cho Hào mượn tiền chữa bệnh và đóng học phí. Hào cũng được cấp học bổng của Cựu sinh viên Colombo Plan 1965 và được đi thực tập ở một cơ sở gần Paris của tập đoàn sản xuất động cơ máy bay SNECMA.
Bây giờ, Hào là một kỹ sư khá thành công và tham gia tài trợ cho học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ . Tôi trích lại đoạn thư rất cảm động sau đây của Hào:
“Đọc qua Thư vận động cho học bổng “Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên – Huế”, tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những tháng ngày học sinh và sinh viên thật sự rất cực khổ và thiếu thốn đủ điều của mình. Tôi xuất thân từ gia đình rất nghèo, cha mẹ tôi đều là nông dân và họ đã cực khổ suốt đời quần quật trên đồng ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống gia đình vẫn hết sức chật vật và khốn khổ. Bản thân tôi cũng đã trải qua tuổi thơ cực khổ, lam lũ trên đồng ruộng, phụ giúp cha mẹ làm ruộng và mò cua bắt ốc, chăn bò, chăn trâu suốt cả chục năm trời… Vì thế, tôi đã quyết tâm phải cố gắng hết sức học tập, vì chỉ có học giỏi thì mới có hy vọng thoát khỏi kiếp nghèo mà thôi. Quyết tâm thì tràn trề nhưng không phải dễ dàng thực hiện được, chỉ với yếu tố chủ quan, nội tại của riêng mình. Đã không ít lần tôi nghĩ rằng, không thể nào tiếp tục con đường học vấn của mình chỉ vì nhà quá nghèo, không có đủ tiền để đóng học phí hoặc mua sách vở, dụng cụ học tập… May mắn thay, trong những lần tưởng như gục ngã vì tuyệt vọng vô bờ bến ấy thì tôi đều được “quý nhân” xuất hiện và giúp đỡ, như lần tôi được học bổng của Cựu sinh viên Colombo Plan 1965 và lần sau cùng là nhờ thầy Nguyễn Thiện Tống giúp đỡ cho mượn tiền để trang trải học phí học kỳ cuối đại học… Vậy nên, ngoài công ơn vô vàn của cha mẹ và gia đình thì tôi luôn luôn ghi nhớ công ơn của Thầy Cô và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho tôi vượt qua những lúc khó khăn, khốn đốn để có được ngày hôm nay. Và tôi luôn tâm niệm, sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn giống như mình lúc trước, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn luôn có ý chí kiên trì theo đuổi con đường học vấn… Tôi luôn là người trung thành với quỹ học bổng của hội Cựu sinh viên Hàng không và quỹ học bổng trường THPT xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi tôi trải qua cuộc đời học sinh thời thơ ấu. Tôi chỉ muốn đóng góp chút công sức để giúp đỡ phần nào cho các sinh viên nghèo được giảm bớt khó khăn trong học tập. Tôi nhận thấy, những đóng góp này tuy nhỏ nhoi nhưng lại có ý nghĩa hết sức to lớn, thậm chí, có thể làm thay đổi tương lai của một ai đó theo chiều hướng tích cực hơn”.