Gần trưa ngày mười tư tháng bảy, chánh tổng Khúc Đàm đang xử một vụ tranh chấp đất đai ở làng Bối Khê thì hay tin bà Ba bị đắm đò sông Lăng, sắp đến rằm xá tội vong nhân, già nửa đàn bà con gái làng Cùa kéo nhau sang chợ Lành mua hoa quả, vàng hương, tiền giấy, voi giấy, ngựa giấy và cả chó giấy về cúng cháo thí.[1]
Sông Lăng ngày thường rộng chưa đầy trăm thước, nước trong vắt, có thể nhìn rõ những con cá đồng tiền lượn lờ giữa đám rong đuôi chồn vảy lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Những chú cá măng kìm mõm dài ngoẵng, lỗ mũi phình ra như mũi lợn rừng, lao vun vút tựa tên bắn rượt theo đám đòng đong. Lũ “thảo dân” này có cái đầu quá khổ vì phải vác đôi mắt thô lố, gồ lên, đỏ đòng đọc chẳng khác gì ngọn đèn báo hiệu lâu ngày không được lau chùi trước cửa các tiệm cô đầu. Thỉnh thoảng vào những hôm đẹp trời, dòng nước trong vắt như mắt mèo, sau một cơn mưa bóng mây, bỗng như có phép thần, chuyển sang vàng sẫm rồi đỏ hồng như màu cà chua chín. Khối màu sắc lạ mắt này không ổn định mà cứ chuyển động uốn éo tựa như dải san hô với hàng tỷ xúc tu mềm mại đang đưa đẩy theo nhịp thở của biển. Đám du ngư ấy là loài cá trầm ba sọc từ cửa sông ngược về thượng nguồn, tìm loại rêu ký sinh bên vách đá vôi trên ngọn thác cao nhất của dãy Nham Biền. Cá trầm ba sọc nhỏ bằng bàn tay, toàn thân vàng óng như quả mướp vừa chín hoặc hồng nhạt tựa trái doi rừng, dưới bụng có ba vệt đen mảnh như sợi chỉ, đem tẩm rượu rồi hấp cách thuỷ thì không có một món cao lương mỹ vị nào sánh kịp. Từ lâu lắm, người dân làng Cùa truyền lại cho nhau, chỉ vào những năm loạn lạc hoặc thiên tai mất mùa cá trầm ba sọc mới kéo nhau ngược sông Lăng tìm rêu đá. Đã mấy chục năm rồi, bắt đầu từ cuối tháng ba, người ta lại được chứng kiến canh tượng trên.
Bây giờ sông Lăng đang mùa lũ. Nước lên ngập lút cả rẻo cồn bên phía làng Nội. Mặt sông mở ra gấp ba bốn lần. Từ trên cao nhìn xuống, con đò ngang giống hệt chiếc lá tre mỏng manh, đơn côi bập bềnh giữa dòng nước chảy xiết. Đó là chiếc thuyền gỗ rạn nứt, bạc phếch, và đầy bất trắc, là vật sở hữu của ông Tình – một lão già chống thuyền thuộc loại siêu đẳng nhưng nát rượu – đã ba mươi năm nay. Không ai biết rõ bệnh tật con thuyền bằng chính ông chủ của nó, nhưng mỗi khi lão Tình đến trình Hội đồng sắc mục xin tiền sửa chữa thì lý Lượng lại bảo:
– Con đò ấy đóng bằng gỗ thành ngạnh còn tốt chán. Lão chờ ít lâu nữa đến vụ thuế làng sẽ lo.