1. Trong buổi dã ngoại miền biển họp mặt đầu năm học, Hạnh đã kể về một vở kịch trong đó cô vừa là tác giả, đạo diễn lẫn diễn viên chính: Một cô gái xinh đẹp được các chàng trai trong lớp cảm mến. Trong các chàng trai lại có một chàng trai cảm mến nhiều hơn cả, có biệt tài đan nhẫn cỏ và đính lên nó những bông hoa tuyệt đẹp như những viên kim cương. Anh nhút nhát nhưng là kẻ biết trân trọng những tình cảm vu vơ của tuổi học trò. Những người bạn trai biết được nên tạo cơ hội bằng cách bảo cô bé nhắm mắt lại và anh đeo chiếc nhẫn cỏ vào tay cô. Trò chơi này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần cho đến khi cô bước vào đại học mới giật mình tự hỏi ai đã đeo cho cô chiếc nhẫn tuyệt đẹp đó. Cô giật mình cũng phải thôi, cơ hội để có những chiếc nhẫn đã không còn. Trong liên hoan chia tay cuối năm, cô rụt rè hỏi mọi người về người bạn mà cô đã đối xử một cách vô tình. Đổi lại, cô nhận được câu hỏi tại sao cô không hé mắt? Khi tặng cô chiếc nhẫn cỏ, tác giả của nó mong cô hé mắt biết bao nhiêu. Vở kịch đã đóng lại trong sự tiếc nuối vô hạn…
Cả lớp vỗ tay tán thưởng và đồng lòng bình bầu người kể chuyện duyên dáng nhất là Hạnh. Thằng Toàn nói: “Chúa ơi! Tại sao hồi giờ tôi không tặng cho Hạnh một món quà như vậy nhỉ?”. Chúng tôi cười ồ lên. Con Hoa nói:
– Tao nghĩ cái thằng nhút nhát kia hơi cù lần. Nếu tao là nó, tao sẽ banh mắt con nhỏ kia ra. Tao còn… móc mắt nó ra nữa là khác.
– Nhưng nếu thế hết chuyện còn gì – Một người lên tiếng – Cậu phải nhớ, trong tình yêu phải có cao trào, thế mới đẹp, mới đáng yêu, nhưng nếu con nhỏ kia… mở mắt thì sao nhỉ?
– Eo ôi – Bọn con gái hét lớn – Chúng nó sẽ yêu nhau mất. Còn gì là tuổi học trò.
– Tao kịch liệt phản đối chuyện mở mắt…
– Tao cũng vậy!
Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận nhắm mắt là hợp lý hơn cả. Khi nhắm mắt, chúng ta vẫn giữ được tình bạn cao cả và trong sáng.
2. Chiều quét nhẹ trên biển một vết son dài. Mọi người tụm năm tụm ba thành từng nhóm riêng ngắm mặt trời lặn. Thằng Toàn ôm đàn hát, lâu lâu ngả sang giọng anh Lam Trường, lâu lâu “độn” thêm giọng chị Phương Thanh nghe thật kỳ quái. Ngồi mãi một hồi cuồng chân, tôi đi dọc theo biển, sóng vỗ cồn cào vào chân. Hạnh chạy theo, giọng nói trong vắt và âm ấm: “Chờ Hạnh với!”. Tôi định nói tại sao Hạnh lại kể câu chuyện đó, có phải Hạnh muốn tất cả chúng tôi cần phải nhắm mắt lại? Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói một câu quá ư… lãng mạn: “Biển đẹp quá!”. Đi dạo trên bờ biển, Hạnh tiết lộ cho tôi biết người chị của cô chính là cô gái vô tình trong vở kịch. Hạnh dựa vào đó, viết nên.
– Nhưng đó không phải là sự thật – Hạnh nói – Chị ấy luôn biết ai đã tặng quà cho mình.
– Thật à? Chuyện đó xảy ra như thế nào?
– Cái anh chàng đó, Hạnh vẫn còn nhớ. Anh ta đến nhà hai lần, lần nào đến cũng ngồi yên rồi về. Hết trung học, anh đăng ký đi bộ đội, sang Campuchia.
– Thế anh ấy có biết, chị của Hạnh biết anh ta không?
– Cũng không biết nữa. Có lẽ anh ta không hay chuyện này. Hôm ra đi, anh ta có tặng cho chị Hạnh quyển sổ, dặn nhớ viết thư. Nhưng rồi anh ta bặt tin. Rồi giấy báo tử gởi về nhà. Hồi đó Hạnh còn nhỏ. Hạnh chỉ nhớ anh ta có một đôi mắt sáng, trán cao và tất cả con người anh ta toát lên vẻ hiền hậu. Bốn năm sau người ta mới hay tin anh ta còn sống và trở về nhà. Anh bị một vết thương nặng trên trán. Anh không còn biết gì về mình. Một đơn vị đã nhặt được anh ở cánh rừng…
– Anh ta mất trí à?
– Cũng gần như vậy. Những năm tháng sau này, anh vẫn ngồi đan những chiếc nhẫn cỏ nhưng hoàn toàn không nhận ra người ngày xưa anh từng trao tặng…