Hồ Biểu Chánh (1885-1958), cũng được đưa vào sách Kỷ lục Việt Nam bởi vì cụ đã sáng tác một khối lượng lớn tác phẩm bao gồm 64 tiểu thuyết, 12 truyện ngắn, 12 vở kịch kể cả tuồng hát, 5 tập thơ, 8 tập ký, 28 tập biên khảo phê bình, một số truyện dịch và phóng tác. Trước khi cụ mất, năm 1957 có tới gần 10 cuốn tiểu thuyết của cụ được xuất bản và năm cụ qua đời lại có thêm một tác phẩm được in có tên “Lừng lẫy hào khí.” Tất cả tác phẩm của cụ khi xuất bản đều ghi nơi cư ngụ, có nghĩa là nơi cụ sáng tác nên ta thấy cụ có mặt gần như ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tựa đề “Ai làm được” ở Cà Mau, nơi cụ ngồi ghế quận trưởng nhưng phải tới 10 năm sau cụ mới cho xuất bản.
Cụ xứng danh là một tiểu thuyết gia có tầm cỡ. Thế nhưng, cụ lại là một nhà quản lý hành chính. Thuở nhỏ cụ học chữ Nho trường làng rồi chữ Pháp trường Tây. Sau đó, cụ thi đậu Tri huyện rồi thăng lên Tri phủ, làm Đốc phủ sứ, có lúc làm việc ở Tòa bố Gia Định, văn phòng Thống đốc Nam Kỳ làm Nghị viên Sài Gòn, Chánh văn phòng của Chính phủ thời Nguyễn Văn Thinh chóng vánh. Khi ông này tự tử thì cụ từ bỏ hẳn cuộc đời công chức (1946).
Cụ Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở tỉnh Gò Công. Cụ đã từng làm quận trưởng ở nhiều quận, huyện thuộc các tỉnh Nam Bộ nên có nhiều cơ hội và điều kiện gần gũi người dân lao động, nông dân nghèo khổ bị nhiều tầng áp bức bóc lột vì cụ là một nhà Nho có Tây học, tuy là quan chức nhưng cụ sống thanh bạch, liêm chính quan tâm tới cuộc sống nghèo khổ (như lao động, tá điền), bị người giàu có, địa chủ cậy thế ỷ quyền hiếp đáp. Sách của cụ sáng tác bán rất chạy vì được mọi thành phần trong xã hội ưa thích. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan từng nhận xét về cụ: “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa. Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thuyền thợ, hạng dân quê.”
Văn chương chữ nghĩa của Hồ Biểu Chánh câu chữ hết sức giản dị, đơn sơ, mộc mạc đến nỗi người đọc có cảm giác cụ viết như nói, kiểu nói bình dân của dân Nam Bộ xưa, nặng về mô tả điệu bộ, cử chỉ, phong cách của nhân vật.
Một hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh được Ban Tuyên huấn Tiền Giang tổ chức thu hút tới 30 tham luận của các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tiến sĩ Lê Ngọc Trà cho rằng: “Cái độc đáo và giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không phải ở chỗ nó mô tả phong tục hay tuyên truyền đạo lý mà ở chỗ nó mô tả phong tục, kết hợp tư tưởng là chủ nghĩa hiện thực…, văn học dễ biến thành dân tộc học. Ông nói chuyện đạo lý đi kèm với chuyện đời, kể lại những chuyện đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế và xã hội nhưng lại gắn với đời người, lại là nội dung của cuộc sống hằng ngày.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thạch viết: “Trên nửa thế kỷ trước, Hồ Biểu Chánh đã phác họa được bức tranh hiện thực về kiếp sống người bần cố nông dưới chế độ thực dân nửa phong kiến ở một vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã dựng lại cảnh sống vất vả, cực nhọc đói cơm, rách áo, bị đàn áp nhục mạ… của người nông dân nghèo.” Nhà nghiên cứu Trịnh Hoàng Mai viết: “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bước cuối cùng bao giờ cũng trở về nhà sau một thời gian ba chìm bảy nổi. Nói rộng ra, cái thiện bao giờ cũng thắng. Đó là niềm mơ ước về một xã hội công bằng, một đạo lý, hơn nữa một niềm tin…”.