Cách ngôn ta có câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Lại có câu Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Trong một bài tập đọc, khuyên nhủ học trò nên phiêu lưu, mạo hiểm, ông “tác giả” Nguyễn Bá Học cho rằng Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông. Người bạn của tôi, Hưng mập, dũng sĩ Phú Nhuận, nhất định, đã không khăn gói quả mướp lên đường để học một sàng khôn hay du sơn, du thủy như cái nhà ông ở bài “Chỗ quê hương là đẹp hơn cả” của cuốn Quốc văn Giáo khoa thư lớp dự bị do Trần Trọng Kim và Đỗ Thận soạn. Tôi cũng chả tin bạn Hưng mập của tôi chở cái thùng nước lèo trước bụng vì lời khuyên của Nguyễn Bá Học. Vậy cớ gì bạn tôi đáp lời sông núi, tang bồng hồ hải lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn?
Ấy là bởi bạn tôi rất phục con dế mèn và cuộc phiêu lưu bất hủ của nó. Dế mèn kia còn dám bỏ hang, phớt tỉnh những giọt nước mắt của mẹ già, khinh thường chú dế trủi an phận thủ thường, dấn thân trên đường đời gió bụi, học được một nghìn điều khôn ngoan. Há Hưng mập thua con dế mèn! Tôi xin nói rõ: bạn tội vừa phục con dế mèn vừa không tin những chuyện dế mèn ghi chép trong thiên bút ký của chú ta. Thói đời, đi xa về nhà nói khoá, dế mèn dám khoác lác những gian truân để khi về hang cũ, gục đầu trên đôi càng gầy của mẹ già mà nức nở: Má ơi, má, con thành người lớn rồi, con hết nóng nẩy, tự kiêu, phách lối và coi mình là nhất rồi, má ạ! Tin chi “cái con dế mèn suốt đểm trăng thu, hát sẩm không tiền nên nghèo xác xơ … ” Do đấy, Hưng mập đã phiêu lưu. Và khi bụi đường bám đầy đầu tóc, mặt mũi Hưng mập, bạn tôi bèn hồi hương, đóng cửa hai tháng viết thiên bút ký này. Tôi xem xong khen nhặng xì ngầu, khuyên bạn tôi nên gửi dự thi văn chương Nô-ben Ma-ní. Hưng mập lắc đầu. Bạn tôi chỉ muốn viết cho nhóc con đọc và yêu cầu tôi viết bài tựa… cột đèn. Tôi đã tựa vào cột đèn viết “áng” văn tựa này.