Sau khi đã đưa bài số 6 Chuyện một đêm một ngày lên blog tuần thứ 3 tháng 8, như đã hẹn từ nay chúng tôi sẽ lần lượt đưa nốt 10 bài còn lại trong số 11 bài văn cuối đời Phạm Quỳnh viết mùa hè năm 1945 tại biệt thư Hoa Đường.
Sau ngày 23/8/1945, Phạm Quỳnh bị bắt tại biệt thự Hoa Đường ở Huế, thì tất cả sách vở tài liệu liên quan đến chính trị và văn học đều bị lục xét và phần lớn bị tịch thu. May mắn là còn sót lại một quyển vở học trò trên bàn làm việc của ông, đặt ngang sẵn cây bút máy Waterman để chiều viết tiếp. Đó là tập Hoa Đường tùy bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, với bài cuối cùng Cô Kiều và tôi viết còn dở dang.
Như vậy là sau gần 30 năm lăn lộn trên trường văn học (1917-1932) và chính trị (1932-1945), chắc chắn ông đã phải đối đầu với nhiều sự tình éo le, gây cấn, cho nên trong những trang viết cuối cùng này ta thấy những điều ông nói đến như Thế thái nhân tình, Văn học và Chính trị, Muốn sống, Con người hiểm độc, Anh chàng khoác lác, Lão Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường…đều gần như là những lời tâm sự ông rút từ ruột gan mình muốn thổ lộ, nhắn gửi với người đời sau. Đây là bản thảo đầu tiên ông viết chỉ để mình đọc, chưa phải để đưa đi in. Tên bản thảo có ghi rõ số I, tức ý ông sẽ còn viết nhiều tập như thế nữa. Chỉ đọc qua tên một số bài như trên, chúng ta đã thấy ngay đây là một tập tạp văn, kiểu tạp văn Lỗ Tấn, mà ta biết từ nay ông quyết định sẽ viết liên tiếp nhiều tập. Nhưng chẳng may, ngay tập I mỏng cũng chưa hoàn thành, vẻn vẹn chỉ có 47 trang giấy học trò, cho nên chưa thể đoán định được ông định hướng chủ yếu về đề tài gì. Sau khi ông mất khá lâu, nhân kỷ niệm 100 năm sinh, con gái ông là bà Phạm Thị Hoàn ở Paris đã công bố 10 bài vào năm 1992, trong phần II của tập sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892-1992) Tuyển tập và Di cảo. Loại ra một bài Chuyện một đêm một ngày mà bà cho chỉ là những trang nhật ký, ghi lại những sự việc cần nhớ, để sau này dùng, chứ hoàn toàn không có tính chất nghệ thuật gì. Sau này, em trai bà là ông Phạm Tuân đã cho in toàn văn bài Chuyện một đêm một ngày này trong tậpGiải oan lập một đàng tràng do Tâm Nguyện phát hành, in lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2001. Bản Tuyển tập và Di cảo này in tại Pháp, tại nhà xuất bản An Tiêm, cả công nhân lẫn người sửa bài đều không phải là những người chuyên làm về văn học tiếng Việt, người duyệt lại là bà Phạm Thị Hoàn, lúc ấy tuổi cũng đã cao, cho nên có nhiều sai sót trong chữ nghĩa in sai, hoặc thiếu, hoặc thừa so với bản thảo Phạm Quỳnh viết chỉ để mình đọc. Chúng tôi may mắn có trong tay bản sao chụp toàn bộ 11 bài ấy, cho nên lần này công bố trên blog, chúng tôi cố gắng bám sát bản viết tay của Phạm Quỳnh mà không dùng những bài đã đăng trong Tuyển tập và Di cảo mong tránh được những sai sót đã mắc. Vì thế cũng xin báo để các bạn đã có sách Tuyển tập và Di cảo nên căn cứ vào các bài đăng trên blog của chúng tôi để rà soát lại bài có trong sách của mình. Riêng bài số 11 Cô Kiều với tôi viết dở dang, chỉ có 3 trang, chúng tôi đăng toàn văn bằng chữ Phạm Quỳnh viết để bạn đọc trực tiếp đọc. Đó cũng là một cách tưởng nhớ người xưa.