Bây giờ thì hắn được dẫn đến chỗ chôn cây cột ấy. Một cây cột hình thánh giá, to, chắc, đẽo gọt đẹp đẽ, phẳng phiu hơn cây cột của hắn chôn cách đây hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm trước hắn tổ chức cho lũ bạn bày đặt ra cảnh đưa thằng Hiến lên đoạn đầu đài. Cũng vì tò mò, cũng vì hắn được sinh ra và lớn lên cạnh cái nơi mà người ta thường kết liễu những kẻ tử tù. ở dưới những đoạn hào tối đen rậm rì những cỏ là cỏ kia có lẽ cũng có dăm bảy cái đầu đang thập thò, len lén nhìn về phía hắn. Từ bao nhiêu năm nay người ta vẫn chọn khoảng thời gian nửa đêm về sáng để nổ súng vào những tội nhân, trước khi đưa chúng vào những cỗ quan tài bật nắp chờ sẵn rồi táng xuống lòng đất lổn nhổn cát sỏi lẫn với vô số các loại đầu đạn. Ban ngày trường bắn thuộc về sự quản lý của một đơn vị bộ đội, ban đêm, nơi đây là chỗ để thực thi lẽ công bằng.
Hắn đã háo hức mò đến trường bắn này để xem người ta thi hành án tử hình từ năm mười tuổi. Lần nào hắn cũng phải thức dậy từ một, hai giờ đêm, mò ra đến đầu làng thì gặp hơn chục thằng bạn đã lố nhố đứng đợi ở đấy. Cả bọn kéo nhau đi. Bò như ốc, trườn như rắn, nhảy như ếch, hắn cùng lũ bạn chui tọt xuống những đoạn hào bỏ không, sát sau lưng đội hành quyết căng mắt ra nhìn cái hình người bị xốc tới dựa cột. Hắn xem nhiều đến thế mà vẫn không chán có lẽ vì chưa bao giờ hắn được xem người ta hành quyết tội nhân vào ban ngày. Mọi thứ cứ mập mờ trong đêm, cả tiếng nổ cũng u u mê mê, tiếng người trao đổi với nhau thì thào, loang loãng, tiếng xe nổ vội vàng, tiếng cuốc xẻng lào xào, lạo xạo, những bóng người cử động như trong phim câm, đến khi sáng bạch ra thì chỉ còn nấm mộ lùm lùm với những chân hương cháy dở. Chẳng có gì rõ ràng. Vì thế xem mãi vẫn không chán. Giá người ta cứ cho hắn vào xem đàng hoàng một vụ hành quyết được thực hiện giữa ban ngày ban mặt, thậm chí cho hắn làm cái chân khâm liệm tử thi thì chỉ một lần thôi là hắn sẽ chán. Nhưng chưa có vụ hành quyết nào diễn ra vào ban ngày cả. Lần này với hắn cũng thế. Tối om. Và côn trùng rỉ rả…
Quê hắn có trường bắn áng Sơn nổi tiếng cả tỉnh, nhưng cũng có một con sông thơ mộng chảy bảng lảng qua làng. Người dân áng Sơn ngoài cấy cày là việc muôn đời còn có nghề chèo đò và đập đá. Chèo đò thì cả làng hắn chỉ có một người, đó là ông Thảnh. Còn đập đá thì từ đứa trẻ lên ba đến ông lão tám mươi đều làm thành thạo vì đó là cách tạo thêm thu nhập duy nhất ở cái làng nghèo nhất tỉnh này. Hắn cũng là một tay đập đá có “hạng” của làng. Nhà có ba mẹ con, bố mất sớm nên anh em hắn phải làm việc từ khi lẫm chẫm biết đi. Đá được xẻ ra từng tảng lớn từ núi. Mà núi ở quê hắn lại nhiều. Cũng là sự lạ vì cả tỉnh chỉ có huyện hắn, xã hắn mới có núi. Toàn núi đá. Núi nhỏ, núi to, núi liên kết thành dãy, núi chơ vơ đứng riêng lẻ, núi chụm đầu làm hòn Trống Mái, núi nghiêng người ngả lưng làm Voi, làm Ngựa, núi dựng lên thành khu trường bắn, núi xẻ giữa cho đường cái chạy qua. Và núi đã trở thành mỏ đá cứu đói cho cả làng hắn. Bắt đầu từ cái văn bản đặc biệt của trung ương, trong đó người ta quyết cho tỉnh hắn được làm mới và nâng cấp bốn con đường cả thảy. Luận chứng kinh tế kỹ thuật của tỉnh thì nói đến việc phải phát huy nội lực, phải Nhà nước và nhân dân cùng làm. Muốn nhìn vào nội lực của một tỉnh thì phải xem đến nội lực của huyện của xã. Xã hắn có núi. Mà núi là đá. Làm đường rất cần đến đá. Thế là giữa lúc thói quen làm việc tập thể đang tàn phá dần những đồng làng quê hắn, giữa lúc nền kinh tế công điểm khiến cho gia đình hắn cũng như bao gia đình khác bần cùng, kiệt quệ thì có người nhận đổi đá lấy ngô, đổi đá lấy mì sợi, lạp xường, trứng muối. Lập tức cả làng hắn rùng rùng kéo nhau lên núi vần đá, khuân đá về để ghè, để đập. Nhà nhà sắm đe, sắm búa. Thanh niên trai tráng mang xà beng, choòng, đục, búa tạ lên núi xẻ từng tảng to đưa về . ở nhà đàn bà, con trẻ một đe một búa, cứ thế đập đá cho nhỏ ra, cho đều tăm tắp. Rồi dựng thành khối. Một mét khối mười lăm đồng. Rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi đồng. Một năm, hai năm, dăm năm trôi qua. Ba mẹ con hắn phải mua lại đá tảng của người ta nên mỗi mét khối đá dăm bán đi coi như chỉ còn được hưởng một nửa. ấy là thời kỳ anh em hắn chưa lớn. Sau này khi hắn đã dám theo đám thanh niên trong làng đi lên thị xã thi đấu vật thì hai anh em hắn cũng tự vần được đá tảng ở trên núi về cho mẹ hắn ngồi nhà chỉ việc một đe một búa mà ghè. Giữa tiếng chan chát, đôm đốp đã từng ám ảnh cả tuổi thơ ấy, hắn hỏi mẹ:
– Tại sao con lại tên là Bạch Đàn?
Mẹ hắn bảo:
– Thì tao đi cấy ở ngoài đồng, mày đòi chui ra, tao chạy đến gốc bạch đàn, chẳng nhịn được nữa, ngồi xuống đấy cho mày ra.