Trong buổi liên hoan lớp cuối năm, “hắn” bốc được thăm với người yêu cầu “mi” lên má “lớp trưởng” – thần tượng của hai mươi đứa con trai trong lớp. Chỉ là một khoảnh khắc rất nhanh nhưng gợi nhiều cảm xúc nơi hắn.
Và những rung động rất dễ thương này đã được Đỗ Thiền Đăng kể lại bằng một giọng văn giản dị nhưng thu hút qua câu truyện “Hãy xem như là mơ” trong tập truyện cùng tên. Bạn đọc tuổi mới lớn có thể tìm thấy ở đây những câu chuyện rất dễ thương khác như: Những chuyện bí mật; Thầy, nó và…; Cổ tích tuổi mới lớn, Học yêu…
Lớp có bốn chục người. Giờ văn học Nhật, không biết từ đâu xuất hiện một cô nhỏ khá xinh ngồi điềm nhiên ghi ghi chép chép. Mười mấy đứa con trai lớp Văn đưa mắt nhìn nhau như dò hỏi: “Của đứa nào đây?”. Nhưng không ai có phản ứng gì cả. Nghĩa là chim trời cá nước đấy, không lo lắng sờ đụng phải “báu vật” của người khác. Vậy là Thuận hí hoáy chép, năm phút sau cho ra một bài thơ và gởi đến cô nhỏ. Bài thơ như vầy:
Không mời sao lại đến đây
Hỡi người con gái ngây ngây mắt buồn
Hợp tan là lẽ vô thường
Mà sao vương vấn nhân duyên thế này?
Thời gian lặng chết trên tay
Biết tìm ai giữa tháng ngày quạnh hiu!
Cô nhỏ hơi ngạc nhiên khi nhận ra mảnh giấy. Đôi mày cô khẽ nhíu lại. Nhưng rồi cô bình thản mở ra đọc, xem như chẳng có gì quan trọng cả. Đọc xong, bất ngờ vì bài thơ khá ngộ nghĩnh, cô nhỏ liếm môi và hít một hơi thật đầy. Rồi, rất khẽ, cô liếc nhìn về phía tác giả… (Trong khi đó, thầy vẫn đang say sưa giảng về vô thường vô ngã trong thơ Haiku). Bắt gặp ánh mắt của cô nhỏ, bất giác Thuận cúi đầu. Rõ ràng là Thuận muốn đùa một chút. Song, với ánh mắt ấy, Thuận không thể đùa được. Bài thơ chứa đầy cảm xúc. Tại sao lúc đó Thuận lại viết hay như vậy, Thuận cũng không hiểu. Ánh mắt của cô ấy, trời ơi, sao mà buồn quá thể!