Nhà mở cửa hàng video. Đến khi “triều đại digital” lên ngôi bèn chuyển sang kinh doanh CD – VCD – DVD các loại, nhưng vẫn còn chừa một kệ nhỏ hẹp cho video độc quyền khai thác món phim bộ có khi dài đến gần trăm cuốn. Một cửa hàng đa năng!
Cửa hàng rộng không quá 16 mét vuông, vậy mà có cảm giác cả thế giới được nén chặt vào đó, hấp dẫn và kỳ thú còn hơn công nghệ đĩa nén MP4! Dĩ nhiên, có nén thì phải có bung. Thế là sáng trưa chiều tối, cả thế giới bung ra trên màn hình 21 inches. Mỹ thì bắn nhau xa xả, đấm đá ồng ộc, rượt nhau chí chết, áo váy hớ hênh; Hồng Kông thì bay lượn veo véo, biến hóa nhì nhằng, cười căng cơ mặt; Hàn Quốc thì co ro tím tái, khóc lả người vì yêu, nước mắt nhểu nhảo tưởng ngập cả nhà… Đấy là phim cho người lớn, chứ trẻ con thì được hẳn một gian riêng, be bé thôi, nhưng em nào sà vào thì cũng ngộp thở vì đa dạng. Nhìn bìa lẫn tựa cứ hoa cả mắt, thắt cả tim, muốn ôm hết kệ đĩa về nhà để xem cho thỏa! Nhưng đừng có mơ, trẻ con là mầm là chồi, phải nuôi phải dưỡng phải quản phải thúc cho khéo chứ thả lỏng ra có mà hỏng bét. Ngay quý tử, con chủ cửa hàng đây, mỗi ngày cũng chỉ được “nhìn thế giới” có vài tiếng đồng hồ, còn lại là phải học, học để mai sau thành người chứ!
Nói rõ hơn một chút, ông bà chủ đây vốn hiếm muộn, thí nghiệm thử nghiệm lung tung không ăn thua cuối cùng đành vào bệnh viện xét nghiệm. Y học tiến bộ, dĩ nhiên là tốn ối a tiền, nên cuối cùng được mụn con. Mà con trai nhé! Thế là quý tử nghiễm nhiên thành “No. 1”. Nhưng đừng tưởng hễ con độc nhất thì hư, “No.1” nhà này ngoan cực. Khi còn “trứng nước” thì khóc vừa phải, nghịch cũng vừa phải, nói chung là rất ngoan. Lớn lên đi học mới đúng là “No. 1”! Học bạ các năm chưa từng xuất hiện từ “khá” bao giờ, chỉ toàn “giỏi” là “giỏi”. Điều này làm phụ huynh chết lịm vì hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi chiếc mũi trở nên đau đớn một cách kỳ lạ. Nói ra điều này hơi mâu thuẫn, hạnh phúc sao lại kèm đớn đau? Mà có đau thì cũng đau quặn ruột hay đau váng óc, chứ sao lại đau nhức ở mũi? Thì ra là vầy: mỗi khi đi họp phụ huynh, nghe thầy chủ nhiệm khen con mình ngoan và giỏi, “phụ huynh” bị cơn hưng phấn chiếm trọn não bộ, sau đó tác động ngược xuống vùng mặt, chiếc mũi là chi tiết duy nhất nhô ra khỏi gương mặt, nên nó làm nhiệm vụ hứng chịu mọi cơn xung động, mũi lại hào phóng chia sẻ với màu đỏ hai bên má bằng cách nở ra căng phồng. Liên tục thế, hỏi không đau làm sao được? Về nhà, “Ma ma” thầm thì vào tai “Papa”: “Phải chi hồi đó sinh đôi, giờ đã…”, giữa chừng bỏ lửng câu nói như ngầm ý trách móc, khiến “Papa” quay hẳn mặt vào tường tủi hờn vì biết mình có lỗi!
Sáng sáu giờ, “Mama” âu yếm gọi: “No. 1 của mẹ ơi, thức dậy thực hiện quyền công dân đi nào”. Và đứa con tung chăn ngồi dậy, vui sướng nhìn bữa sáng “Mama” đã chuẩn bị sẵn, thơm nức mũi. “Papa” thì ngồi trên xa-lông ở phòng khách, áo quần tề chỉnh, chờ đứa con “thực hiện quyền công dân” xong là đưa ngay ra xe, hộ tống đến trường một cách an toàn. Suýt soát 8 giờ, “Papa” sẽ ghé cơ quan làm việc. “Mama” ở nhà điều khiển hai đứa cháu giúp việc trông coi buôn bán cửa hàng. Đâu cứ vào đấy, răm rắp và trôi chảy từ tháng nọ qua năm kia.
Hết tháng nọ qua năm kia, chẳng mấy chốc mà con trai lớn phổng. Một tối bên bàn ăn, bỗng “Papa” giật thót mình khi thấy đứa con yêu trước mặt bỗng dưng có nét gì là lạ. Mười sáu tuổi, trông thằng bé phổng phao như một thanh niên. Tạo hóa khéo ban cho mấy cu cậu lứa tuổi này một hàng lông tơ chạy lờ mờ trên mép, khiến chúng nửa tự hào nửa ngường ngượng. Đang ăn, “No. 1” linh cảm có gì đó không bình thường, ngẩng phắt đầu lên: “Papa! Có gì mà nhìn con khiếp thế?”. Bà mẹ đang rắc tiêu vào bát canh cá thác lác nấu chua, hớt hải nhìn hai bố con đến nỗi rắc tiêu luôn cả ra bàn, lòng đầy ngờ vực. “Papa” cúi mặt và nốt đũa cơm, mỉm cười: “Con trai, con đã lớn!”. Thằng nhóc lẫn mẹ thở phào. Tưởng chuyện gì, hóa ra…
“Hóa ra, mình đã lớn?”. Tối đó, thằng con đứng tần ngần trước chiếc gương trong phòng tắm, vừa lẩm nhẩm vu vơ bài hát “Tình thơ” đang rất thịnh hành trong giới học trò, vừa… săm soi cơ thể mình. Và chợt đỏ mặt, lòng bồi hồi xác nhận “hóa ra mình đã khác trước thật…”, rồi khẽ khàng đưa tay lên mặt, làm động tác “hủy diệt” một chiếc mụn đỏ gay không biết từ đâu chình ình vô duyên trên má.
Thời buổi cạnh tranh, làm ăn cái gì cũng khó. Có mỗi một đoạn phố ngắn ngủn, vậy mà tự dưng ở đâu mọc lên năm – sáu cửa hàng kinh doanh băng đĩa. Cửa hàng nào cũng bóng loáng kệ bàn, sáng trưng đèn đóm, poster ca sĩ và phim mới treo chấp chới khắp nơi, hấp háy sắc màu. Có chỗ còn đầu tư cả hệ thống máy đĩa cho khách tha hồ nghe và xem thử, kiểm tra xem đĩa có tốt không. Chấp nhận cả trường hợp khách chỉ nghe mỗi bài “hit” trong album, còn mấy bài còn lại là bài “độn”, nên chán, không thèm mua, chủ cửa hàng vẫn vui vẻ chấp nhận, chứ không có cảnh mặt nặng mày chau như thời “thiếu thốn” xưa kia.