Hồi giữa thế kỷ 19, sau khi Triều chúa Nguyễn ở Huế được nắm chủ quyền thống trị cả vùng đất Việt Nam nầy thì phân ranh chia mấy trấn, mỗi trấn chia mấy đạo, rồi đặt quan cai trị, cho nhân dân từ Quảng Bình trở vô được đem gia quyến đến khai cơ lập nghiệp.
Vùng Gò Công hồi đó gọi là Kiến Hòa đạo thuộc về trấn Định Tường, là Mỹ Tho bây giờ.
Cụ Phạm Đăng Xương một nhà học uyên thâm, gốc ở Hương Trà thuộc vùng Huế bây giờ, chở gia quyến vào Nam, chọn giồng Sơn Qui trong đạo Kiến Hòa làm chỗ định cư. Cụ đốt cây cất nhà và qui dân về ở chung quanh cụ. Điền địa phì nhiêu, trên giồng cải rau bắp đậu thứ nào cũng dễ trồng, dưới ruộng thì lúa cấy đám nào đám nấy cũng xanh tốt. Nhơn dân thấy vậy bèn tụ tập về đó ở làm ăn, gây cho Sơn Qui một thời phong phú thạnh vượng.
Cụ Phạm Đăng Xương thấy vậy mới mở trường dạy học. Người gần kẻ xa hay việc ấy thì lần lượt đến xin thọ giáo, vì đạo học của cụ Phạm vừa uyên thâm vừa hoạt bát, nên môn đệ của cụ người nào cũng nên danh. Thuở ấy người ta kính mến cụ nên kẻ lớn người nhỏ đều gọi cụ là “Kiến Hòa Tiên Sanh”.
Chừng qua đời, con của cụ là Phạm Đặng Long nối nghiệp mà dạy học.
Thinh danh “Kiến Hòa Tiên Sanh” càng lừng lẫy hơn đời trước bởi vì cụ Phạm Đặng Long đào tạo môn đệ được nhiều người rất hiển đạt, như ba cụ Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô. Khi cụ Hoài Quốc Công Võ Tánh đến giồng Tre chiêu binh khởi nghĩa, ba cụ ra giúp làm phó tướng đắc lực, sau giúp chúa Nguyễn lập được đại công.
Cụ Nguyễn Hoài Quỳnh thi đậu khóa Tân Hợi (1791) mở đầu tại Gia Định cũng là môn đệ của cụ Phạm Đặng Long, sau làm quan lên tới những chức Nghệ An Hiệp trấn, Thanh Hóa Hiệp trấn, Thanh Hóa điện phu đạo, Bắc Thành Binh Tào chừng mất được tặng Chánh Trị Khanh.
Mà công lớn hơn hết của cụ Phạm Đặng Long là công cụ dạy người con của cụ, là cụ Phạm Đăng Hưng, khóa Bính Thìn (1796) thi đậu thủ khoa, được sung vào bộ Tham mưu chúa Nguyễn Ánh, luôn luôn theo chúa ra chinh phạt đàng ngoài.