Khôi, người còm nhom nhất nhóm sinh viên tình nguyện. Còm nhom nhất, cao nhất…, tóm lại là cái gì cũng nhất, mà cái được khen nhất là trụ được ở vị trí chỉ huy lũ nhóc của xóm, điều mà lần lượt từ anh này tới chị kia trong đội tình nguyện đều lắc đầu và nói rằng có thể làm được tất cả mọi việc, chỉ trừ một việc là dạy một lớp học có đủ các lớp của cấp hai. Nhiệm vụ này được giao cho Khôi với lý do: Khôi là sinh viên khoa sư phạm. Còn gì hợp lý hơn?
Nổi tiếng ngay lập tức là cách phạt con Cúc, một học trò của lớp học Xóm Hẻm mới được khôi phục lại. Lớp học Xóm Hẻm, là nói cho gọn vậy chứ có cả mấy đứa con nhà mặt đường phố chính cắt ngang con hẻm cũng vô đây học chung theo lời rủ rê của mấy đứa trong này. Nói khôi phục lại là vì năm ngoái cũng có một nhóm sinh viên tình nguyện về đây mở lớp dạy học. Qua ba tháng hè, các anh chị sinh viên ra đi, bao lưu luyến hứa hẹn tới mùa hè sang năm, nhưng rồi chẳng những quên béng hết, mà cả sách vở cũng đâu mất luôn.
Lớp học một tuần sáu buổi, mỗi buổi ba tiếng đồng hồ bắt đầu từ bảy giờ sáng tới mười giờ. Để chọn được giờ học lý tưởng này, thầy giáo Khôi phải trổ tài thuyết phục các phụ huynh và thuyết phục cả ông khối trưởng chịu ghi nhận việc cho con đến lớp cũng tính vô điểm thi đua gia đình văn hóa mới. Thật ra thì cha mẹ nào cũng muốn cho con mình đi học, vừa là ôn tập kiến thức khỏi sợ quên, vừa là có… địa chỉ đàng hoàng cho con mình lui tới, chớ làm sao mà quản lý nổi tụi nó trong suốt ba tháng hè. Bởi vì có đứa phải phụ má bán hàng ăn buổi sáng, đứa bế em cho má đi chợ… nên giờ học bắt đầu lúc bảy giờ sáng là rất khó. Nhưng, nếu học buổi chiều thì… cả xóm nhà nào cũng lợp mái tôn, học từ một giờ trưa thì chẳng khác nào ngồi dưới cái chảo rang, làm sao mà học vô được. Thôi thì cứ coi như không phải nghỉ hè! (Sau này, khi thầy giáo đã trở thành thân thiết với dân xóm thì lý do đúng nhất mới được kể ra rằng: nếu học từ lúc một giờ trưa thì chắc chắc lớp sẽ tan ngay sau vài ba buổi, bởi vì giấc ngủ trưa của mùa hè thì chỉ có trời mới dựng mấy đứa chịu thức dậy đúng giờ!).
Ban tự quản của khối cho xóm mượn phòng trực của tổ tự vệ để làm lớp học. Phòng này nếu không cho lớp học mượn thì ban ngày cũng để không, vì tổ tự vệ chỉ có ở đó vào buổi tối. Mà cũng tại vì chỉ mở cửa khi trời đã tối và đóng lại khi trời tờ mờ sáng nên không ai nhìn thấy nó dơ đến cỡ nào.
Buổi đầu tiên, cả thầy giáo lẫn học trò phải quét dọn không chỉ bụi bặm lưu cữu mà mạng nhện cũng bám cứng vô tường như nó mọc từ tường ra vậy. Chính lớp mạng nhện cứng đầu này khiến bọn học trò nhận ra thêm một cái nhất nữa của thầy giáo Khôi là… yểu điệu nhất! Nhìn cây chổi lông gà trong tay thầy giáo phủi phủi trên tường, con Cúc nhanh nhảu nói: “Thôi, thầy để tụi em” rồi nó chồng hai cái ghế lên nhau và nhìn thằng Xây. Mắt con Cúc to và tròn như viên bi, mắt thằng Xây một mí. Hai đôi mắt này đối diện nhau, chưa nói năng gì đã thấy tếu rồi. Thằng Xây leo lên cái ghế phía dưới nhún nhún, ánh mắt nhìn xuống ra vẻ ta đây nhưng vì là mắt một mí nên nhìn nó như đang nhắm mắt khiến bọn đứng quanh cười ồ. Rõ ràng, thằng Xây đang muốn làm hề. Cả lũ liếc nhìn thầy giáo đợi phản ứng nhưng thầy chỉ xoay xoay cây chổi lông gà, mắt nhìn hai cái ghế chồng lên nhau, nói nhỏ nhẹ:
– Các em không sợ bị té sao?
Trời! Trèo lên hai cái ghế này là chuyện nhỏ xíu đối với thằng Xây. Từng theo cha đi phụ hồ, giàn giáo cao hơn vậy nữa, lại còn xách hai tay hai xô vữa thì hai cái ghế này có là gì. Nhưng lúc đó, nó là phụ hồ. Còn lúc này, nó là học trò! Là con nít! Con Cúc nhìn quanh tìm đồng minh. Và nó không phải nói thành lời. Trong mắt cả lũ, rõ ràng thầy giáo Khôi thật chẳng xứng là nam nhi tí nào. Thà thầy là cô giáo thì không nói làm gì. Lẽ ra là thầy mà thấy một đứa con nít trèo lên thì chính mình phải giành phần hoặc ít ra là cũng phải có một câu kiểu như “Các em tránh ra để thầy làm cho”, đằng này…
Thằng Xây trèo lên cái ghế bên trên. Cố tình, nó nhún nhún mạnh hơn làm như thử độ vững vàng của điểm tựa nhưng rất rõ là trêu ngươi. Rồi khi con Cúc chuyền cho nó cây chổi tre thì nó chà cây chổi vô tường và nhón hai chân nhướn người theo từng nhát chổi chà xát. Điểm tựa lúc này như không phải là cái ghế mà là cái đọt chổi đang dí vô tường. Mạng nhện vo lại, phần thì quấn quanh chổi, phần thõng xuống lơ lửng, phần rớt xuống nền cùng với bụi bặm và bụi vôi…