Đến trước căn nhà hai tầng số 44 bis phố Richaud, ba người cùng đứng lại. Đêm đã khuya. Đèn trên gác đã tắt. Hai cửa sổ mở ra đường, hai khung lớn tối đen.
– Đường ngủ rồi. Thôi để lần khác Bình hãy lên thăm. Giờ chúng ta đi chơi để cho hắn ngủ.
Huy nói rồi lại bảo Bình và Thạc:
– Nhưng hai anh đợi tôi một tí, tôi lên cất áo đã, bức lắm.
Thạc khen phải và cũng bỏ cái áo ngoài đưa cho Huy. Mùi nước hoa của Thạc bay lên thơm lừng cả một phần không khí nồng nực.
– Huy cất áo hộ tôi một thể. Nhân tiện lấy hộ bao diêm nữa, diêm của Bình hết rồi.
– Để đâu?
– Trong ngăn kéo, mà đừng làm thằng Đường thức dậy nhé. Hôm nay nó mới ngủ được sớm như thế.
– Đường cảm phải không?
– Ừ, cảm xoàng thôi. Hai hôm đầu không dậy được, nhưng mấy hôm nay gần khỏi hẳn rồi.
Trong nhà, mười hai giờ điểm. Một tiếng đằng hắng đáp lại tiếng Huy gọi. Tiếng giày kéo lê trên mặt đất. Rồi cửa mở, đầu một ông già thò ra. Huy vội nói:
– Kìa thầy, thằng nhỏ đâu mà không mở cửa?
– Nó ngủ say rồi. Giờ mới tan chiếu bóng à?
Huy nói với ông cụ đưa chìa khóa cho mình.
– Chúng con còn đi chơi lát nữa. Bức lắm không ai dám ngủ vội. Con lên cất cái áo rồi xuống ngay…
Huy vừa bước vào vừa nói tiếp:
– Thầy cứ đi ngủ đi, lúc về con mở cửa lấy cũng được.
Nghe tiếng chào của hai người thiếu niên đứng ngoài, ông cụ nheo mắt nhìn ra:
– Không dám, cậu Thạc ấy à? Còn ai nữa thế kia?
Bình nhanh nhẩu đáp:
– Thưa cụ con ạ, Văn Bình đây ạ.
– À, ông Văn Bình! Đi chơi khuya nhỉ.
Huy đã đi thẳng vào trong. Anh không bật đèn cầu thang, thuộc lòng bước nhẹ nhàng lên gác. Huy treo hai cái áo lên giá mà anh ta đã quen chỗ, rồi toan tức khắc trở xuống. Nhưng chợt nhớ bao diêm Thạc dặn lấy, anh ta mới đưa tay tìm cái vặn đèn điện trên tường.
Đèn sáng, Huy quay lại phía bàn học giữa nhà và ngạc nhiên:
– Ô kìa! Đường. Ngồi làm gì đấy?
Đường không đáp. Anh ta ngồi phía bên kia, quay lưng ra cửa sổ, , người hơi cúi, ngực áp vào cạnh bàn, hai má tỳ lên hai bàn tay, mắt lặng lẽ nhìn lên quyển sách dày mở trước mặt.
Đường có vẻ đọc sách như thế từ lâu lắm, lại đọc trong lúc không có đèn!
Huy chực bật cười vì cái điều vô lý ấy, nhưng anh chợt lo ngại. Anh hỏi lên câu nữa:
– Đường! Ngồi làm gì, mà…
Câu nói cắt đứt ngay lúc Huy nhận thấy Đường im lặng một cách khác thường. Huy liền đi thẳng đến bàn học, kéo ghế ngồi trước mặt bạn, nhìn vào tận đôi mắt trân trân của Đường:
– Đường! Đường! Điếc à?
Huy không kịp nghĩ rằng đó có thể là một trò đùa của Đường. Mặt Đường xanh rớt và giữ mãi một vẻ lo buồn.
Một cảm giác kỳ dị và kinh hoàng ám nhanh đến, Huy nhìn ngang nhìn ngửa rồi đứng phắt dậy, cử chỉ hỗn loạn trong khi Đường vẫn điềm tĩnh ngồi.
Bỗng Huy kêu lên một tiếng rất ngắn, nhưng ghê gớm; một tiếgn kinh dị dữ dội mà từ trước tới nay Huy mới kêu lên lần đầu. Huy vừa chợt trông thấy trên lưng Đường một con dao cắm ngập tới chuôi, trong một khoảng máu đẫm sau áo.
Nghe tiếng kêu, Bình và Thạc dưới phố nhìn lên: vừa lúc cái mặt hoảng hốt của Huy đâm chao ra ngoài khung cửa sổ.
Huy rối rít gọi:
– Bình! Thạc! Bình! Thạc! Lên mau lên! Đường chết rồi…
Sự kinh ngạc làm Bình lặng đi một lát rồi mới hỏi lên được:
– Cái gì? Đường chết?
Nhưng Thạc bình tĩnh hơn, mở cửa chạy vào báo tin cho ông cụ biết. Cả ba người cùng vội vàng lên cầu thang.
Cái dáng người chết của Đường, khi họ nhận thấy rõ, lại làm cho họ khiếp sợ hơn khi ở trước mọi người chết khác. Giữa cảnh náo động, Đường vẫn ngồi lẳng lặng, hai mắt vẫn đọc mãi trang sách, và nếu không có con dao và phần áo đẫm máu, thì có lẽ Đường sẽ đứng lên và hỏi chuyện mọi người.