Năm 2000 trước khi cho in tác phẩm “Giữa Đêm Trường” của nhà văn Nguyễn Thụy Long, Tủ Sách Tiếng Quê Hương viết lời giới thiệu: “Giữa Đêm Trường và Thân Phận Ma Trơi được chuyển ra hải ngoại tháng 12 năm 1999, được tác giả ủy thác cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương gửi tới bạn đọc. Khi đồng ý cho xuất bản tác phẩm của mình, các tác giả còn ở trong nước đang cộng tác với Tủ Sách Tiếng Quê Hương ý thức rất rõ về hậu quả khốc hại có thể xảy đến cho bản thân và gia đình. Nhưng tất cả, trong số đó có Nguyễn Thụy Long đều thấy không thể chối bỏ trách nhiệm nói lên sự thật về đất nước và đồng bào, giữa cảnh đêm trường gió bão của quê hương…”
Lời giới thiệu của Tủ Sách Tiếng Quê Hương là nhịp cầu nối bến bờ xa thăm thẳm, để người đọc cảm nhận tâm tình của nhà văn Nguyễn Thụy Long “…Đêm nay, ngồi ghi lại những dòng này trời vẫn còn mưa. Những con muỗi đói sợ ướt cánh ùa đầy vào phòng, vừa đụt mưa vừa kiếm ăn. Chúng bu vào tôi đốt tơi tả. Tôi đập tan xác chúng, máu bắn tóe trên bàn tay. Giữa đêm trường này chỉ còn mình tôi thức, trên căn gác bút đam mê cô quạnh…Sáu tháng nữa thì đến năm 2000, bước sang thế kỷ 21. Lâu nay tôi ít để ý đến tình hình trên hành tinh này, vì loài người đánh đấm, ăn thua đủ với nhau lùng tùng xòe. Địa cầu huyên náo. Tôi cũng có sự huyên náo của riêng tôi. Những bức xúc có căn nguyên, những buồn vui, những hậm hực, tôi nhả ra hết, có sao nói vậy, quên luôn cả lời mẹ từng dạy ‘Tránh voi chẳng xấu mặt nào.’ Tôi cóc cần rồi. Tôi sợ húp nhầm cháo Lú thì khổ. Tôi không muốn sống như cục thịt hoặc như một nắm xương khô…” *
Những người cùng thời với Nguyễn Thụy Long đọc văn của ông, chắc chắn đồng cảm với tác giả thật nhiều; bởi vì họ cùng thở hít không khí huyên náo của địa cầu, cùng hiểu những buồn vui, hậm hực có căn nguyên giống như ông. Thế hệ sinh sau đẻ muộn không thể hiểu thuở làm báo trước năm 1975 như thế nào, và cũng không thể biết “những tờ báo bị tịch thu, bị đục trắng khi vừa ra khỏi nhà in. Những tờ báo bị đóng cửa rút giấy phép, ký giả bị bắt bớ, bị ám sát cũng đã có, không biết từ phía nào. Nhà báo lêu bêu từ tòa soạn này sang tòa soạn khác nhiều lắm…” * Tuy nhiên khi đọc đến giòng chữ “…Có năm tôi nhảy đến ba bốn tờ báo, cũng có thể năm sáu gì đó. Nhưng vẫn vui, vẫn sống, vẫn hành nghề được,” * liền tức thì họ cảm nhận không khí tự do của những người viết văn làm báo, tuy “lêu bêu” nhưng các tác giả đã được sống làm người đúng nghĩa. Họ đã từng dự cuộc họp báo với một ông tướng cầm quyền ở Phủ Thủ Tướng, đã ra về trên lối đi có hai hàng lính cận vệ ghìm súng, nhưng tất cả đều coi cuộc họp ấy như pha như không có, trước sự chứng kiến của những nhà báo nước ngoài. Nguyễn Thụy Long đã sống qua những kỷ niệm như vậy, nên ông rất trân trọng nghề nghiệp của ông.
Nguyễn Thụy Long sinh ngày 9 tháng 8 năm 1938 tại Hà Nội, qua đời ngày 3 tháng 9 năm 2009 tại Gia Định, Sài Gòn. Ông là cựu học sinh Trung Học Hồ Ngọc Cẩn và là sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, từng cộng tác với báo Ngàn Khơi cùng nhà văn Nhã Ca, và Nhật Báo Sống của nhà văn Chu Tử. Trước năm 1975, Nguyễn Thụy Long xuất bản hơn 30 tác phẩm, viết hàng trăm truyện ngắn. Hai tác phẩm tiêu biểu là tiểu thuyết đầu tay“Vác Ngà Voi” xuất bản năm 1965 ký bút danh Lan Giao, và tiểu thuyết “Loan Mắt Nhung“ viết năm 1967 gây xôn xao dư luận một thời, được đạo diễn Lê Dân dàn dựng thành bộ phim cùng tên năm 1970, do tài tử Huỳnh Thanh Trà đóng vai chính. Năm 2005 nhà văn Nguyễn Thụy Long được Nguyệt San Khởi Hành ở Hoa Kỳ trao giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp.
Bắt đầu sự nghiệp văn chương trong thập niên 1960 – một thời đại huy hoàng của nền văn học nghệ thuật ở Miền Nam Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thụy Long cũng như mỗi một tác giả cùng thời với ông, đều có văn phong và phương hướng sáng tạo riêng biệt, không lẫn lộn; chính điều này đã mở ra nhiều cánh cửa mới cho văn chương thi ca nghệ thuật Miền Nam.