Những người quan tâm đến văn học Việt Nam hiện đại, nhất là thế hệ cầm bút 8X, thường rất muốn biết những cây bút như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu… sẽ tiếp tục viết như thế nào sau khi được đứng ở đầu sóng ngọn gió của dư luận. Những cây bút nữ thường khá nhạy bén với cái mới và các lĩnh vực tình cảm nhưng ít người thành công lớn. Có thể là do họ nhanh chóng trở thành bán chuyên nghiệp, quá bận rộn ở nhà xuất bản, công tác biên tập hay viết kịch bản phim… Cũng có thể bị thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu chi phối. Nhưng cũng có thể họ thừa tài ở những lĩnh vực tư duy vụn lẻ nhưng thiếu sức khái quát ở tầm lớn rộng. Nguyễn Ngọc Tư đứng ở đâu, về đâu, qua “Giao thừa”?
Suốt trong “Giao thừa”, ta vẫn thấy bàng bạc – như thường gặp – chất văn hóa rất riêng và vẫn cứ mới của vùng sông nước Nam Bộ. Đó là nét văn hóa nguyên sơ vừa hiện đại, tinh khiết vừa bụi bặm, nhẹ nhàng vừa dữ dội mà tâm lý đa số bạn đọc muốn khám phá khi đã quá quen với văn hóa Bắc và Trung Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đi vào đó bằng ưu thế nhất định của người địa phương có tấm lòng cảm thông với số phận nhân vật, có cái nhìn tận thấu bản chất sự việc và năng khiếu về ngôn ngữ, cách kể chuyện. Tết của người ta hoa đào đỏ chói, hoa mai vàng rực, tết của Ngọc Tư đầy dưa hấu “Những trái dưa hấu bóng mẩy thẳm xanh chất tầng tầng trên chợ” (Giao thừa). Từ cách mô tả về con vịt Cộc, Ngọc Tư đã cho thấy sự gắn bó thân thiết với sông nước, ghe thuyền, con người của Nam Bộ để có được những trang viết như thế.
Những nhân vật của Ngọc Tư cũng vậy. “Thật” như sông nước, dễ gần gũi, dễ cảm thông. Họ là những đứa trẻ, cụ già, người mẹ, người chị, người em, người láng giềng tốt bụng, rất bình thường nhưng có nét đặc trưng về số phận. Đó là những người bán dưa cơ hồ không biết tết trong “Giao thừa”, là số phận những thành viên trong gia đình chú Đời hát rong (Đời như ý), hay khát vọng làm má của Diệu trong “Làm má đâu có dễ”, ước mơ được yêu của ông già Chín trong “Cuối mùa nhan sắc”… Dường như Ngọc Tư chỉ quan sát họ rồi chọn đưa từ ngoài đời vào trong trang văn hơn là dụng công hư cấu. Cho nên họ là máu thịt đích thị của đất và người Nam Bộ. Nhiều khi, hoàn cảnh đã tha hóa hay ngăn trở ước mơ của họ làm ta phải chảy nước mắt. Chú Đời mù lòa (Đời như ý) chỉ muốn được hát rong yên ổn bên vợ con – một ước mơ hết sức bình thường đơn giản – nhưng rồi có đứa con xinh xắn phải gửi người ta nuôi giùm. Đến chết muốn gặp cũng không được vì nó đã bỏ đi bụi đời. Đâu đây dường như nhân vật của Ngọc Tư rất gần với số phận những nhân vật của Nam Cao. Chỉ khác một bên tiêu biểu cho văn hóa Bắc Bộ, một bên là Nam Bộ.
Người ta thường nói nhiều đến cách viết của Nguyễn Ngọc Tư. Về mặt này, trong “Giao thừa“, cũng như nhiều tập truyện khác, chị có vẻ rất nghề ở cách kể chuyện. Từ một nhân vật hay sự việc chính nào đó, chị cứ mải miết lan man tỏa ra ngang dọc để biến chuyện thành truyện. Với cách kể này, đòi hỏi phải có sự khái quát giỏi ở kết truyện mới có sức thuyết phục bạn đọc. Nguyễn Ngọc Tư gây được ấn tượng với người đọc từ cái tình mênh mang và lắng sâu. Ví như sau khi kể về một tình yêu thực sự nhưng không thể đến với nhau được. Nguyễn Ngọc Tư khái quát trong “Người năm cũ” : “Đường đời gang tấc mà vì nỗi gì đi vòng vèo cho xa hoài xa mãi”. Ở truyện đầu tiên, “Bởi yêu thương” Nguyễn Ngọc Tư kết: “Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà!”. Kết như vậy không có gì lớn, không có gì mới nhưng vẫn cứ gây ray rứt, nôn nao thắc thỏm lòng người…
Nguyễn Ngọc Tư vẫn có duyên trong cách sử dụng ngôn ngữ địa phương và cách đưa đối thoại vào trong văn. Điều này đầy ắp trong “Giao thừa”. Riêng vấn đề đối thoại trong văn có lẽ cần bàn thêm. Văn được lồng lời thoại thì khi viết ra vẫn là văn mình hẳn hoi. Vì thế, nếu lạm dụng trong lời kể để phải thừa lặp quá nhiều từ không cần thiết thì độ trong sáng cũng sẽ giảm đi. Trong văn Ngọc Tư, ta gặp rất nhiều trường hợp như thế. Đến nỗi có cảm giác chị hơi dễ dãi trong sử dụng tiếng Việt. Mặc dầu vậy, nhìn chung, “Giao thừa” đã tiếp tục khai thác triệt để thế mạnh của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư một cách tròn trịa hơn, chín hơn. Chủ đề của các truyện không nhiều tầng nghĩa mà lắng sâu chất Nam Bộ, dễ đọc, dễ cảm thông. Thoáng một chút tiếc nuối: “Giao thừa” vẫn chỉ là “Giao thừa” mà chưa thấy Nguyễn Ngọc Tư bứt phá đi về một “năm mới”, vượt qua ngưỡng cửa “Cánh đồng bất tận”.