Hai đứa trẻ Danh và Lựa sống vất vưởng trên hè phố. Thiếu ăn, thiếu mặc, luôn lo sợ thiếu tiền đóng thuế cho đại ca giang hồ Quý đen vì cái nịt với khóa đồng của hắn thẳng tay đánh xuống lưng của những kẻ thiếu thuế không thương tiếc.
Thằng Danh vì thương Lựa, đánh giày, tằn tiện từng đồng để thực hiện ước mơ được đi học của thằng Lựa. Lựa muốn đọc được “pồ gam” cải lương, tử vi trên báo, Tam quốc chí cho thằng Danh nghe…
Nhưng sự khát khao được nghe Lựa đọc của Danh tan biến thành mây khói với cái chết của thằng Lựa…
Niềm vui, hy vọng, tắt ngúm, thắp lên sự căm hờn trong lòng thằng Danh. Cái hình xăm 2 đứa đánh giày trên cánh tay thằng Danh, cùng chữ S.C.C.N (sống chết có nhau) với hình hai đứa, giờ sẽ là nỗi nhớ không bao giờ tắt… Những tiếng cười, có người làm khổ Danh như thằng Lựa đã không còn nữa…
Về Miền tây mang theo nỗi căm thù, thằng Danh tình cờ quen biết ông Nghị và bé Thảo – con nhỏ có chiếc răng khểnh rất đẹp và hay làm nũng bố.
Bé Thảo và ông Nghị đã rót vào lòng thằng nhỏ 16 tuổi ấy sự tốt bụng, ngây thơ…Ước mơ một lần nữa xốn xang, đẹp một cách lạ lùng, làm ấm lòng Danh. Tình yêu mà bé Thảo dành cho nó là thứ xa xỉ nhất thế gian…
Chiến tranh lại cướp đi ước mộng tương lai nhỏ bé của Danh. Trên con đường trở lại Sài Gòn ông Nghị và bé Thảo đã lên thiên đường. Một lần nữa, trái tim thằng bé tan vỡ. Thà đừng có ai yêu thương nó, quan tâm nó, nó đỡ bớt đau khổ hơn… Nó quyết định trả thù…
Vài nét về tác giả:
Duyên Anh (nhà văn, nhà báo, nhà thơ) tên thật là Vũ Mộng Long, bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Độc Ngữ. Sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học, trung học ở Thái Bình và Hà Nội.
Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn guitar, dạy sáo,…
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy,… viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt với giọng văn thiết tha, nhẹ nhàng và tình cảm. Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc,…
Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
Vượt biển sang định cư tại Pháp từ tháng 10/1983, ông viết lại và cho xuất bản gần 20 tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản. Một số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng viết cả thơ và soạn nhạc.
Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997 (nhằm ngày 29 tết), Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.